A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh nghiệm rút ra từ công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo an ninh tuyến biên giới tỉnh Kon Tum

 

Những năm qua, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo an ninh tuyến biên giới tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới tỉnh Kon Tum.

 

Cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh làm công tác thiện nguyện góp phần xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum


Thực tiễn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm đảm bảo an ninh biên giới tỉnh Kon Tum những năm qua cho thấy, lực lượng Công an Kon Tum đã làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng các Nghị quyết về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo ANTT tuyến biên giới của tỉnh. Trực tiếp, chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra các Quyết định, Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo an ninh biên giới tỉnh Kon Tum. Cụ thể như: Triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; xây dựng xã kết nghĩa… Kết quả của công tác đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, giữ vững an ninh, quốc phòng. Duy trì mối quan hệ đối ngoại, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, chủ quyền Tổ quốc.

 

Tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Saloong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

 

Từ thực tiễn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm đảm bảo an ninh biên giới tỉnh Kon Tum những năm qua, lực lượng Công an Kon Tum rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khu vực biên giới phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thực tiễn đã cho thấy, sức mạnh của quần chúng nhân dân là rất lớn, nhưng sức mạnh đó chỉ được phát huy khi được tổ chức thành phong trào, hành động cụ thể. Để phong trào này đạt được hiệu quả cao không thể tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, từ đó, tạo thành sức mạnh thống nhất của cả hệ thống chính trị từ các cấp đến cơ sở. Vì thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên nói chung và lực lượng Công an các cấp nói riêng cần nghiêm túc quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, để xây dựng kế hoạch, đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào sát đúng với tình hình thực tế. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Thứ hai, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và lực lượng nòng cốt khu vực biên giới trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị và lực lượng nòng cốt của phong trào, coi đây là nhân tố quyết định để xây dựng phong trào. Lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT tại cơ sở là lực lượng trực tiếp làm công tác xây dựng phong trào: tham mưu cho lãnh đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan ban ngành triển khai, xây dựng, ban hành các văn bản; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến quần chúng nhân dân; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan xây dựng phong trào… Đồng thời, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc diễn ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, đối tượng khác nhau, đòi hỏi lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT tại cơ sở phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nhất định. Mặt khác, trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thay đổi không ngừng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải không ngừng củng cố, xây dựng lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT tại cơ sở. Để củng cố, kiện toàn đội ngũ này, trước hết, mỗi cá nhân phải thường xuyên tự rèn luyện, tự phấn đấu, học hỏi những kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm sống, những cách làm hay để từ đó vận dụng vào thực tiễn; nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; lãnh đạo các cơ quan, ban, ban ngành, đoàn thể tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, tiếng đồng bào DTTS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Mặt khác, trong công tác cán bộ, ưu tiên bố trí những cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức, có niềm đam mê, khả năng phát động quần chúng đến công tác tại các đơn vị, bộ phận chuyên trách về xây dựng phong trào. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào DTTS, phức tạp về ANTT, lựa chọn, bố trí cán bộ Công an chính quy có năng lực, trình độ giữ chức danh Trưởng, Phó Trưởng Công an xã, đồng thời, thu hút mạnh mẽ những người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS tham gia lực lượng nòng cốt tại cơ sở.

Thứ ba, xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực biên giới. Coi trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng, củng cố hạ tầng giao thông, hệ thống y tế, văn hóa, giáo dục cộng đồng… để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới, làm nền tảng cho phong tào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Thứ tư, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của quần chúng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khu vực biên giới. Không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp, hình thức tuyên truyền vận động quần chúng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khu vực biên giới phù hợp với từng loại đối tượng và từng vùng. Lực lượng Công an thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội thống nhất nội dung phát động phong trào với các phong trào thi đua yêu nước ở khu vực biên giới. Chú trọng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những hạn chế, lệch lạc, kịp thời phát hiện ngay.

Thứ năm, phải huy động, phát huy được vai trò của người có uy tín trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Người có uy tín là người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư, nguyện vọng của mọi người trong cộng đồng, họ có uy tín, ảnh hưởng nhất định đến hành động cũng như tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân, dễ dàng trở thành cầu nối gắn kết giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể với đông đảo quần chúng nhân dân. Vì vậy, công tác tranh thủ, vận động người có uy tín trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có vị trí rất quan trọng. Do đó, cần coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác huy động, phát huy vai trò của người có uy tín, thông qua họ để vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội và công tác bảo vệ ANTT khu vực biên giới; tích cực đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ sáu, tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khu vực biên giới gắn với tổ chức Ngày hội quốc phòng toàn dân, chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và xây dựng thế trận an ninh nhân dân khu vực biên giới. Qua phong trào cần kịp thời phát hiện cá nhân, tổ chức tiêu biểu để động viên, khen thưởng, nhân rộng, làm cho quần chúng tin tưởng hơn với Đảng, chính quyền, xóa bỏ mặc cảm và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.


Duy Hòa