Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023
Tuyên truyền bám theo chủ đề năm an toàn giao thông năm 2023 là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông, cảnh báo nguy cơ, hậu quả, nguyên nhân tai nạn, ùn tắc giao thông.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; bảo đảm việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân trực tiếp tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải; xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông; giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022, ngày 16 tháng 02 năm 2023, Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-BATGT tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023.
Ảnh minh họa
Các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được xác định, đó là:
- Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa: Luật phòng chống tác hại của rượu, bia; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng; Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đường sắt; các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” năm 2023 và chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
- Cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống an toàn khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông, nhất là đối với giao thông đường bộ; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các nước trên thế giới.
- Trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra. Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt tại trung tâm thành phố, huyện tập trung đông dân cư.
- Trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa: Thường xuyên tuyên truyền các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách trên sông; chủ phương tiện, người lái phương tiện đường thủy nâng cao điều kiện bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện; vận động người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.
- Trong phòng, chống tác tại của rượu, bia: Tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia rượu của các thành viên trong gia đình, thực hiện “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”.
- Tuyên truyền các giải pháp giảm ùn tắc giao thông đặc biệt tại các khu vực đông dân cư; trường học, chợ, việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Tuyên truyền các mô hình hay, các gương điển hình, các hành vi đẹp, tiêu biểu trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông.
Kế hoạch cũng đề ra các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, đó là:
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư, sinh hoạt các tổ nhân dân tự quản: Tập trung tuyên truyền về an toàn giao thông tại các khu dân cư, dọc các tuyến Quốc lộ 24, 14C, 40, 40B, các đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông, các khu công nghiệp, trường học, các điểm chợ, điểm bán hàng rong… Tuyên truyền trong các cuộc họp dân, họp Tổ Nhân dân tự quản, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội… chú trọng tuyên truyền đúng các đối tượng tham gia giao thông, tập trung vào các đối tượng từ 16 đến 35 tuổi, nhất là nam giới về các hành vi vi phạm uống rượu, bia điều khiển phương tiện xe cơ giới, vi phạm tốc độ; đua xe trái phép; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy, xe đạp điện; chở quá số người quy định; đi sai làn đường, phần đường, lạng lách, đánh võng khi tham giao giao thông…
- Xây dựng các panô, các băng rôn, áp phích, tờ rơi, triển lãm tranh, ảnh, mít tinh, diễu hành… tại các tuyến đường chính, đặc biệt là tại các điểm đấu nối vào quốc lộ, các nút giao, các điểm mở dải phân cách, khu đông dân cư… nhằm hướng đến mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trong cộng đồng; tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, tổ chức các sự kiện, tuyên truyền miệng thông qua các buổi tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên, họp dân, tọa đàm ở cơ sở; tuyên truyền bằng hình thức in ấn, cấp phát tờ rơi, tài liệu,… theo chủ đề như vi phạm hành lang an toàn giao thông, nông độ cồn, tốc độ, văn hóa giao thông,…
- Tăng cương công tác tuyên truyền đối với những người có các hành vi vi phạm giao thông: Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông (Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát trật tự, Công an xã, phường…) phải thương xuyên tuyên truyền, giải thích đề người vi phạm giao thông hiểu về tác hại của các hành vi vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
- Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng chuyên mục An toàn giao thông trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh; chuyên trang An toàn giao thông hàng tháng trên báo Kon Tum; xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp để phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, hệ thống Đài truyền thanh cấp xã.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp, các ngành về công tác tuyên truyền về an toàn giao thông. Tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân. Tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn giao thông trong các đợt cao điểm, trong dịp lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần…