A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An toàn Phòng cháy chữa cháy mạng điện và thiết bị điện

Hiện nay tình hình cháy, nổ diễn ra hết sức phức tạp và gây ra hậu quả vô cùng nặng nề. Năm 2020 toàn tỉnh Kon Tum xảy ra 09 vụ cháy; trong đó 04 vụ xuất phát từ nguyên nhân sự cố kỹ thuật về điện.

Điển hình, Vào lúc 02h56 ngày 18/02/2020 xảy ra cháy xưởng gỗ của ông Phạm Ngọc Khẩn thuộc Làng nghề H’nor tại tổ 2, phường Lê Lợi, TP Kon Tum. Vụ cháy đã gây thiệt hại khoảng 62.700.000đ.

Hình ảnh: Các chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH đang tiến hành chữa cháy (nguồn: congankontum.gov.vn)

Vụ cháy thứ 2: Vào lúc 18h30 ngày 19/10/2020 xảy ra cháy tại số nhà 107 Nguyễn Trường Tộ, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Vụ cháy gây thiệt hại 85.000.000đ.

Để đảm bảo an toàn PCCC trong việc sử dụng điện và các thiết bị điện thì, tác giả đề xuất một số biện pháp như sau:

1. Biện pháp đề phòng cháy do chập mạch điện

– Thiết kế lắp đặt hệ thống điện tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn điện và PCCC đặc biệt với môi trường nhiệt độ cao, có chất ăn mòn, hóa chất, môi trường nguy hiểm cháy, nổ phải chọn dây dẫn, thiết bị bảo vệ phù hợp với môi trường ở khu vực đó.

– Những thiết bị điện, đồ dùng điện… quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để có kế hoạch đại tu hoặc thay thế. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.

– Ngắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc, khi đi ngủ.

– Lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét và kiểm tra định kỳ hệ thống này.

– Có biện pháp che chắn và các giải pháp chống cháy lan khi hàn cắt, có người giám sát khi hàn cắt trên cao.

– Đối với các nguồn điện phục vụ báo cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ phải lắp đặt hệ thống điện chống cháy riêng biệt, đấu trước cầu dao tổng hoặc có nguồn điện ưu tiên.

2. Biện pháp đề phòng cháy do dòng điện quá tải

– Thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng.

– Lắp đặt thiết bị tự ngắt đúng tiêu chuẩn và không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt.

– Không dùng nhiều thiết bị điện một lúc và cùng 1 ổ cắm.

– Thường xuyên định kỳ kiểm tra hệ thống để khắc phục kịp thời những nguy cơ gây ra quá tải.

3. Biện pháp đề phòng cháy do đầu nối dây dẫn điện không đúng kỹ thuật:

– Cầu dao, bảng điện phải được bắt chặt và có hộp bảo vệ, cầu chì có đầy đủ nắp đậy; ở những nơi có chất cháy, các thiết bị này phải đặt bên ngoài; ở những nơi có nguy hiểm cháy, nổ phải lắp đặt hệ thống điện an toàn phòng cháy, nổ.

– Các mối nối và phải bọc kín bằng chất cách điện.

– Không nối hai dây dẫn có chất kiệu khác nhau và điện trở khác nhau để dẫn điện.

– Không để các vật dễ cháy gần bảng điện, cầu dao, cầu chì,… đề phòng tia lửa điện gây cháy, nổ.

4. Biện pháp đề phòng cháy do sự truyền nhiệt của các thiết bị điện:

– Đặt các thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt cách xa vật liệu, đồ vật là chất dễ cháy, khi sử dụng phải có người giám sát.

– Trong khu vực có nồng độ hơi, bụi nguy hiểm cháy, nổ phải thiết kế, lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện an toàn phòng cháy, nổ. Khi mất điện phải ngắt các nguồn điện cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện.

– Ngắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc và khi ngủ.

– Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện.

Trần Minh