Công an tỉnh Kon Tum triển khai hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25/4
Năm 2023, cả nước ghi nhận 448 trường hợp mắc bệnh sốt rét, 1 trường hợp tử vong, dịch bệnh sốt rét tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu, Khánh Hòa và một số tỉnh ở Miền Trung, Tây Nguyên. 46 tỉnh đã được công nhận loại trừ bệnh sốt rét, tuy nhiên nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại đang hiện hữu.
Trong lực lượng CAND, năm 2023 và đầu năm 2024 không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh sốt rét. Tuy nhiên, một số Công an các đơn vị, điạ phương đóng quân trên địa bàn từng có bệnh sốt rét lưu hành hoặc cán bộ, chiến sỹ Công an ở các địa phương không có sốt rét lưu hành nhưng thường xuyên phải đi/đến, làm việc tại vùng có sốt rét lưu hành để thực hiện công tác sẽ có nguy cơ mắc bệnh sốt rét.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp và nguy cơ dịch sốt rét quay trở lại, thực hiện Công văn số 719 ngày 15/4/2024 của Cục Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25/4/2024. Công an tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các Phòng, Công an các huyện, thành phố cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về bệnh sốt rét và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét: Truyền thông rộng rãi tới CBCS, lao động hợp đồng và các đối tượng giam giữ do Công an tỉnh quản lý với chủ đề Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2024: “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam; tuyên truyền các thông tin về bệnh sốt rét, nguyên nhân gây bệnh, đường lây truyền và biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét.
Tăng cường công tác giám sát, phát hiện, điều trị sớm các trường hợp mắc sốt rét, đảm bảo không để sốt rét gia tăng ở địa phương đặc biệt là sốt rét ác tính, tử vong do sốt rét: Bệnh xá Công an tỉnh và bộ phận y tế Trại, Công an các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan trên địa bàn đóng quân, nắm vững tình hình sốt rét tại địa phương và cả nước để có biện pháp chủ động phòng, chống. Triển khai kế hoạch phun, tẩm hóa chất diệt muỗi sốt rét theo chu kỳ đỉnh bệnh hàng năm. Giám sát tình hình bệnh sốt rét trên bệnh nhân đến khám, chú ý các trường hợp CBCS đi công tác tại các vùng có bệnh sốt rét lưu hành.
Nâng cao nhận thức, tác động làm thay đổi hành vi và vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt rét; huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay phòng chống sốt rét tại cộng đồng nhằm ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại sau loại trừ. Góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Ngoài ra, để phòng bệnh hiệu quả vì hiện nay chưa có vắc xin dự phòng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở CBCS, lao động hợp đồng và người thân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.
- Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu…
- Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
- Khi thấy các biểu hiện của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng, vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng và phòng lây nhiễm cho người xung quanh.