A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả công tác PCCC và CNCH đối với loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Theo thống kê, địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay có 3.218 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh với các loại hình đa dạng như: đồ gỗ, nội thất, kim khí, các loại hàng hóa tổng hợp,… chiếm khoảng 71% tổng số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH.

Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là một trong những yếu tố lợi thế trong việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC và CNCH. Đặc điểm chủ yếu của loại hình này là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các khu vực nội thị, xung quanh các chợ, TTTM, tuyến đường phố và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vải, chăn màn, tạp hóa… Các ngôi nhà được tận dụng để sản xuất, kinh doanh nên cấu kiện xây dựng không phù hợp; giữa các nhà hoặc giữa các khu vực trong nhà không có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói; lối thoát nạn không đảm bảo. Đồ dùng, hàng hóa trong nhà dễ cháy, nổ, sắp xếp bố trí thiếu khoa học, các hộ gia đình thường tận dụng tối đa diện tích sàn và không gian trong nhà để chứa hàng hóa, hàng hóa không đảm bảo cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, dẫn đến khi cháy, mức độ cháy lan rất nhanh, khó khống chế, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum, trong 5 năm (2017-2022) tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp: Xảy ra 109 vụ cháy, làm 01 người chết, 05 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 19,7 tỷ đồng. Vụ việc cháy tại loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh điển hình là vụ cháy xảy ra ngày 13/2/2018 tại Tiệm điện Mỹ Dung thuộc dãy nhà liên kế khu vực Chợ – TTTM thành phố Kon Tum, vụ cháy đã nhanh chóng cháy lan sang 05 cửa hàng liên kề, gây thiệt hại về tài sản ước tính lên đến 1,1 tỷ đồng, rất may không gây thiệt hại về người.

Vụ cháy ngày 13/2/2018 tại Tiệm điện Mỹ Dung, 309 Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum

Trước thực trạng trên, nhằm giảm thiểu tình trạng cháy xảy ra tại loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn. Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1438/KH-UBND về thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng triển khai các giải pháp trọng tâm phòng ngừa, tuyên truyền về PCCC và CNCH. Đồng thời, Công an tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kon Tum, từ đó tiếp tục nghiên cứu, tạo hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả đối với loại hình cơ sở đặc biệt này.

Từ 15/4/2021 đến 15/02/2022, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh như: Thiết kế, phát hành 240.469 mẫu tờ rơi tuyên truyền PCCC và CNCH, tổ chức 901 buổi tuyên truyền với 17.743 người tham gia, gửi 173.956 tin nhắn SMS có nội dung tuyên truyền về PCCC đến người dân, tuyên truyền 171 lượt trên màn hình điện tử; phát sóng 02 chuyên mục, 83 lượt phát clip, phóng sự trên sóng truyền hình địa phương; 75 lượt tuyên truyền lưu động qua sử dụng xe chữa cháy, xe trật tự đô thị, vận động 10.689 hộ gia đình mở “lối thoát nạn thứ 2” đạt 99,03%; kiểm tra 7.573 lượt đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, qua đó cán bộ đã kịp thời hướng dẫn, chủ cơ sở khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong đảm bảo an toàn PCCC và CNCH. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xây dựng thành công nhiều mô hình đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đưa vào hoạt động hiệu quả, phát huy tối đa vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ, nổi bật là “Mô hình khu dân cư an toàn PCCC trên địa bàn huyện Ngọc Hồi”, nhiều địa bàn hiện đang xây dựng và phát triển mô hình “Tổ liên kết tự quản về ANTT, PCCC”. Qua một thời gian triển khai đồng độ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, tình hình cháy, nổ tại loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã có chuyển biến tích cực, giảm về số vụ và thiệt hại; nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người dân ngày càng được nâng cao.

Cán bộ tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn PCCC và CNCH cho người dân

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn, đặc biệt là đối với loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, nâng cao năng lực công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH của cơ quan nhà nước quản lý có thẩm quyền. UBND tỉnh cần đầu tư trang thiết bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Lực lượng Công an tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS làm công tác PCCC và CNCH tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an cấp huyện, cấp xã để tham mưu UBND các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.

Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa Công an tỉnh với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội triển khai thực hiện và phổ biến Quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh đến toàn thể người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh, ứng dụng hiệu quả của kỹ thuật thông tin vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH; đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH trong các bản tin PCCC, clip hướng dẫn an toàn PCCC và CNCH; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ dân phố, lực lượng dân phòng, các tổ chức chính trị, xã hội cấp cơ sở (Chi đoàn, Hội phụ nữ) trong công tác tuyên truyền tại địa phương.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

 


Tin liên quan