A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em dịp hè

Tai nạn thương tích thường xảy ra bất ngờ, đặc biệt là đối với trẻ em. Tai nạn thương tích đến từ các nguyên nhân chủ quan (xuất phát từ chính bản thân trẻ em) và nguyên nhân khách quan (môi trường sống xung quanh, sự bất cẩn chủ quan lơ là của người lớn). Vì vậy để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em rất cần sự chủ động, chung tay từ nhiều phía của các ngành chức năng, gia đình... trong việc trang bị các kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng ngừa, ứng phó các rủi ro tai nạn có thể xảy ra trong dịp nghỉ hè.

Các vụ tai nạn rủi ro ở trẻ thường gặp như: Bỏng nước sôi, điện giật, nổ pin điện thoại, đứt tay chân do những vật sắc nhọn, té ngã, ngộ độc thực phẩm, đuối nước…. Trong đó, số lượng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước luôn xếp hàng đầu so với các loại tai nạn thương tích khác.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, học sinh là do môi trường sống thiếu an toàn, nhiều ao, hồ, sông, suối… Bên cạnh đó, còn do cha mẹ, người lớn chủ quan, lơ là trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trong thời gian các em được nghỉ học, ở nhà, để các em tự do rủ nhau đi chơi, đi bơi mà không có sự giám sát của người lớn. Trong khi đó, điều kiện các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em còn thiếu, nhiều nơi nhất là các trường học chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này.

Vì vậy, để phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em, phụ huynh cần quan tâm, lưu ý cho trẻ chơi ở những khu vực an toàn, tránh nguồn điện, nguồn lửa, khu vực nấu ăn...; dạy trẻ kỹ năng sơ cứu khi gặp các tình huống tai nạn, không để trẻ một mình trong bồn tắm; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn; lấp kín những ao hồ không cần thiết; cho trẻ đi bơi ở những nơi đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định. Đồng thời, cần quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em học bơi và nâng cao kỹ năng phòng tránh tai nạn. Bên cạnh đó, ở trường giáo viên cần thường xuyên lồng ghép kiến thức, kỹ năng nhận biết nguy hiểm cho trẻ như tránh xa sông suối, ao hồ, nơi sạt lở....; các cơ quan chức năng cần có các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để bảo đảm an toàn như làm rào chắn, chặn các lối vào các khu vực nguy hiểm, nơi thường xảy ra đuối nước.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có rất nhiều Câu lạc bộ hướng dẫn bơi lội cho trẻ

Ðể kỳ nghỉ hè của trẻ thật sự bổ ích, an toàn, cần có nhiều hơn các sân chơi thiết thực, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho các em là hết sức cần thiết. Đó cũng là giải pháp thiết thực nhất nhằm giảm tối đa tình trạng trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước mỗi khi hè về.


Tác giả: Bích Nga
Tin liên quan