A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường các biện pháp phòng, chống nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5-14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Thời gian qua, các bộ, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em và đã có chuyển biến tích cực, nhưng phần lớn vẫn dừng lại ở các văn bản chỉ đạo, nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Theo thống kê, hiện nay chỉ có 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi, vẫn còn nhiều trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Môi trường sống vẫn còn nhiều nguy cơ gây đuối nước, nhất là những khu vực nước sâu nguy hiểm chưa có biển báo, rào chắn.

Một buổi học bơi của các em thiếu nhi

  Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra, điển hình như vụ đuối nước xảy ra vào ngày 24/3/2023 tại đập Đăk Yên, xã Hoà Bình, thành phố Kon Tum khiến hai chị em ruột nhà ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum tử vong một cách thương tâm. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã đến hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, sau gần 02 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tìm thấy 02 thi thể nạn nhân.

Đập Đăk Yên, xã Hoà Bình, thành phố Kon Tum nơi vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm

Hay như vụ đuối nước xảy ra vào ngày 08/02/2019 tại biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, 08 em học sinh ở Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình rủ nhau đi tắm biển, do thời tiết xấu, sóng lớn đã cuốn trôi làm 6 em bị chết đuối.

Thống kê số trẻ em tử vong do đuối nước tại Việt Nam từ năm 2015 – 2020

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chính là do các em thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, người lớn; các em tự ý rủ nhau đi chơi, đi bơi, đi tắm, chơi gần khu vực nguồn nước dẫn đến đuối nước và hầu hết các vụ đuối nước xảy ra tại cộng đồng. Riêng với trẻ nhỏ có thể gặp tai nạn với các vật dụng trong gia đình như xô, chậu chứa nước hoặc giếng khi các vật dụng này không được che chắn đúng cách. Đối với trẻ em ở vùng nông thôn, những nơi có hệ thống kênh rạch, sông, hồ các em thường phải đi học bằng ghe, thuyền nhưng lại không có phao cứu sinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đuối nước thương tâm.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Kon Tum, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ đuối nước, trong đó có 01 vụ đuối nước là trẻ em, so với năm 2021 giảm 02 vụ (năm 2021 có 03 vụ đuối nước trẻ em, làm 05 người chết). So với các năm 2018 thì số vụ đuối nước năm 2022 giảm hàng chục vụ, đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong công tác phòng chống đuối nước của tỉnh.

  Nhằm phòng chống tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 342, ngày 13/02/2023 để triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em (giai đoạn 2023 - 2030). Thông qua Kế hoạch nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an nhân dân với các cơ quan, đơn vị liên quan, tiến hành đồng bộ các giải pháp, biện pháp phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương nhằm chủ động trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Để giảm thiểu tai nạn đuối nước xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu các phòng, Công an các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp với các cơ quan chức năng đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung tuyên truyền về kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH, kỹ năng phòng, chống đuối nước và kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về tình hình, nguy cơ xảy ra đuối nước trên địa bàn tỉnh, các địa điểm cấm bơi lội để học sinh nâng cao tinh thần cảnh giác, nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước. Tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý, ngăn chặn nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em; rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước để đề nghị UBND các cấp tiến hành cắm biển và duy trì tác dụng của biển cấm, rào chắn. Tổ chức các lớp huấn luyện bơi, lặn, cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng sơ cấp cứu người bị đuối nước cho lực lượng Công an cấp xã, lực lượng dân phòng, đội ngũ giáo viên thể chất, đoàn viên thanh niên. Điều tra, làm rõ các vụ việc trẻ em bị đuối nước để xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật…

Các bộ ngành tham gia ký kết phòng chống đuối nước ở trẻ em giai đoạn 2022-2025

Để phòng tránh và giảm thiểu tai nạn đuối nước một cách có hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền, sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội thì các cơ quan, ban, ngành cần tạo ra nhiều hơn nữa những sân chơi bổ ích như các câu lạc bộ dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhằm trang bị kiến thức và nâng cao kỹ năng bơi lội cho các cháu, qua đó góp phần hạn chế những tai nạn đuối nước thương tâm có thể xảy ra.


Tác giả: Hồng Khanh
Tin liên quan