A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm – Trách nhiệm không của riêng ai

 

Với những đặc thù về điều kiện hệ sinh thái rừng, từ lâu Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng đã nổi tiếng với nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Tuy nhiên, do lợi ích vật chất mà các loài động vật này mang lại, hoạt động săn bắn, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm xảy ra ngày càng nhiều. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp nghiêm ngặt song tình trạng này vẫn đang gióng lên một hồi chuông đáng báo động cần xử lý kịp thời, triệt để.

 

Lực lượng Cảnh sát Môi trường tỉnh phát hiện, thu giữ 02 cá thể cầy


Kon Tum có diện tích rừng  658.668ha (độ che phủ của rừng trên 68%) và 86 nghìn ha đất trống, đồi núi trọc. Rừng Kon Tum có trữ lượng gỗ trên 53 triệu m3, gần 2 tỷ cây tre, nứa và nhiều loài động, thực vật quý hiếm nằm trong danh mục “sách đỏ” Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có 38 loại động vật quý hiếm như hổ, gấu, ngựa, beo, báo gấm, sơn dương, sóc bay, rùa hộp trán vàng, hồng bàng, trĩ sao, ếch da cóc… Tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray có 40 loài động vật quý hiếm như hổ, voi, gấu chó, trâu rừng, bò tót, bò rừng, bò xám, tê tê java, chà vá chân xám, chà vá chân đen, báo gấm… Có thể nói, đây là một trong những ưu ái thiên nhiên ban tặng cho tỉnh, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng săn bắn, buôn bán, vận chuyển thú rừng trái phép liên tục diễn ra không những làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng cần được bảo vệ.

Trên các tuyến đường ở khu vực nội thành, không khó để thấy hàng loạt những điểm bán thịt rừng sống xuất hiện với giá thành khá cao. Cùng với đó, các quán nhậu đặc sản rừng cũng mở ngày càng nhiều với đa dạng các món thịt rừng quý hiếm và lạ xuất hiện trên thực đơn như heo rừng, nai, mang, dúi, chồn hương, kì đà, tê tê, ba ba… Các sản phẩm của động vật quý hiếm như lông, xương, răng, ngà voi, ngà tê giác, da hổ… được rao bán với giá khá cao. Những bình rượu thuốc ngâm cao khỉ, vooc, hổ, mật gấu, tê giác… được không ít người tìm mua, thậm chí là sang tay từ người này sang người khác với giá trị khá lớn. Như vậy, có thể thấy ý thức của người dân trong bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm là chưa cao bởi lẽ chính nhu cầu của con người đã thúc đẩy hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm diễn ra ngày càng nhiều với mức lợi nhuận được đẩy lên đến “khiếp khủng”.

Trên cơ sở Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật, Công văn số 2777/UBND-NNNT, ngày 10/11/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật, Công an tỉnh đã xây dựng Kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về săn bắn, mua bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài động vật hoang dã quý hiếm và các sản phẩm, dẫn xuất của chúng, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến các công ước quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất các xã vùng sâu vùng xa, các xã gần rừng, nơi dễ phát sinh các hành vi săn bắt, buôn bán các loài động vật này. Vận động người dân giao nộp các cá thể động vật quý hiếm, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi xâm hại động vật quý hiếm trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện hoạt động vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã quý hiếm. Tính riêng trong năm 2017, Công an tỉnh đã phát hiện 73 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế-chức vụ và môi trường, trong đó có 02 vụ Vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp quy hiếm cần được ưu tiên bảo vệ, thu giữ 07 cá thể kì đà, 05 cá thể ba ba và 02 cá thể chồn hương.

Trong hoạt động hợp tác quốc tế đảm bảo ANTT khu vực biên giới với hai nước bạn Lào, Campuchia, nội dung bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm luôn được các bên xác định là vấn đề quan trọng và cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm, không để biên giới là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Từ năm 2017, Biên bản ghi nhớ song phương giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum và Sở Nông lâm tỉnh Attapư (Lào) đã ký kết vào cuối năm 2016 nhằm tăng cường hợp tác trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn thương mại lâm sản và săn bắn, buôn bán các loài động vật hoang dã bất hợp pháp tại khu vực biên giới giữa hai tỉnh Kon Tum và Attapư bắt đầu được triển khai thực hiện. Theo đó, hai bên hợp tác chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến kiểm soát và ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán, vận chuyển các loài động, thực vật hoang dã tại khu vực biên giới của hai tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động thường niên hằng năm diễn ra giữa Công an 06 tỉnh Kon Tum, Gia Lai (Việt Nam), Attapư, Sê Kông (Lào), Stung Treng, Natarakiri (Campuchia) trong ký kết Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị phối hợp đảm bảo ANTT khu vực biên giới cũng xác định bảo vệ động vật hoang dã là nhiệm vụ quan trọng. Gần đây nhất, tại Biên bản ghi nhớ lần thứ IV được ký kết tại Hội nghị diễn ra vào ngày 02/2/2018 do Công an tỉnh Gia Lai đăng cai tổ chức đã thống nhất thỏa thuận các bên cùng nhau đẩy mạnh đấu tranh chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã, khi có vụ việc xảy ra phải thông báo kịp thời để giải quyết.

Về trách nhiệm pháp lý, tại điều khoản quy định “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, so với Điều 190 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điều 244 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã nâng mức hình phạt tiền tại khung cơ bản từ 500.000.000 đồng đến 2000.000.000 đồng, tăng hình phạt tù từ 03 năm lên 05 năm (khoàn 1, Điều 244); nâng mức cao nhất của hình phạt tù từ 07 năm (khoản 2, Điều 190 BLHS năm 1999) lên 15 năm (khoản 3, Điều 244 BLHS năm 2015) nhằm đảm bảo chính sách phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và tình hình thực tiễn. Như vậy, theo BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm đã được điều chỉnh từ tội phạm nghiêm trọng thành tội phạm rất nghiêm trọng. Cùng với đó, lần đầu tiên, tại BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Điều 234 “Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã” được bổ sung nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn khách quan trong bối cảnh thời gian qua tình hình và mức độ xâm hại đối với các loài động vật này vẫn không có xu hướng giảm mà ngày càng gia tăng.

Như vậy, với BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hiện hành, Điều 234 và Điều 244 điều chỉnh đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và động vật nguy cấp, quý hiếm được xem là những chế tài nghiêm khắc để hạn chế thấp nhất những sai phạm có thể xảy ra trong lĩnh vực này.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và những chế tài xử lý nghiêm khắc của pháp luật, quan trọng hơn hết mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức tự giác trong đấu tranh chống hành vi săn bắn, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm. Bởi lẽ, chỉ khi bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm được mỗi người trong chúng ta xác định là trách nhiệm không của riêng ai thì hệ sinh thái sinh học tự nhiên mới được bảo tồn, duy trì và phát triển.


Khánh Vi


Tin liên quan