Bộ Ngoại giao khẳng định những thông tin không chính xác về nỗ lực phòng, chống hoạt động rửa tiền của Việt Nam
Trước những nội dung được đưa ra trong báo cáo của Tổ chức Liêm chính Tài chính toàn cầu (GFI) cho rằng Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về hoạt động rửa tiền trong giai đoạn 2006-2015, tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 03/10/2019, Bộ Ngoại giao đã khẳng định đây là những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng thực tế cũng như quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống rửa tiền.
Trong những năm qua, cùng với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc tác động nguy hiểm của hoạt động rửa tiền đối với kinh tế-xã hội đất nước. Trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh pháp lý đối với hành vi rửa tiền, vận dụng chuẩn mực quốc tế, thực hiện nghiêm các khuyến nghị và cam kết quốc tế cũng như thực tiễn công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi này đã cho thấy những nỗ lực, quyết tâm cao của Việt Nam trong phòng, chống rửa tiền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ khuôn khổ pháp lý để phòng, chống rửa tiền. Tại Việt Nam, rửa tiền là hành vi vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội rửa tiền với hình phạt tù từ 01 năm đến cao nhất là 15 năm, phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại tùy mức độ phạm tội của hành vi; đồng thời để cụ thể hóa việc thực hiện điều luật này, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 07/7/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 Bộ luật Hình sự. Ngày 18/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống rửa tiền và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 116/2013/NĐ-CP và Nghị định số 96/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều Luật Phòng, chống rửa tiền và quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền. Gần đây nhất, tháng 5-2019, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 nhằm hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này, đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của nhóm châu Á-Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) về cơ chế phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam trong năm 2019.
Bên cạnh nâng cao nhận thức toàn dân, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh, hoàn thiện hệ thống tài chính, ngân hàng, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, trong đó có rửa tiền. Ngoài ra, Việt Nam coi trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, là quan sát viên của nhóm các đơn vị tình báo tài chính.
Những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong phòng chống rửa tiền được các tổ chức quốc tế, trong đó có Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố ghi nhận, đánh giá cao./.
Khánh Vi