A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cẩn trọng với cơn sốt ảo Pi Network

Pi Network là dự án về tiền điện tử ra đời từ năm 2019 với người sáng lập là TS Nicolas Kokkalis, được cho là đến từ Đại học Stanford (Mỹ). Dự án được quảng cáo có thể “đào” miễn phí trên điện thoại bằng ứng dụng Pi Network. Sau khi cài ứng dụng, tài khoản Pi của người dùng sẽ tự động tăng với điều kiện phải mở ứng dụng để “điểm danh” sau mỗi 24 giờ. Càng mời được nhiều người tham gia, tốc độ “đào” sẽ càng nhanh. Pi đã từng gây sốt tại Việt Nam và thu hút nhiều người tham gia do suy nghĩ không mất tiền mà chỉ cần hằng ngày mở ứng dụng. Thế nhưng, để xác minh danh tính, người dùng phải cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân và cung cấp một số thông tin cá nhân khác.

Giao diện của ứng dụng Pi Network

Những lời quảng cáo đường mật

Trong sách trắng, Pi Network nhấn mạnh việc họ có thể khắc phục những vấn đề của thị trường tiền điện tử, như khả năng khai thác khó khăn, tiêu tốn năng lượng, việc đầu tư mang nhiều rủi ro và đã có nhiều người bỏ lỡ cuộc cách mạng tiền điện tử trước đây. Từ đó khuyến nghị người dùng tham gia mạng Pi.

Theo tuyên bố của nhà sáng lập Pi Network thì chỉ vài năm Pi sẽ được lên sàn, có thể mua bán, trao đổi như những đồng tiền kỹ thuật số khác. Do đó, ứng dụng Pi Network từng nhiều lần nằm trong danh sách tải nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên dự án Pi Network có nhiều điểm đáng ngờ., các đồng tiền điện tử như Bitcoin, ETH... đều đòi hỏi việc đào rất tốn công sức, thời gian và cả tiền bạc. Tất cả “thợ mỏ” thời 4.0 đều phải đầu tư rất nhiều tiền cho dàn máy, kết nối mạng để đào tiền ảo, cạnh tranh với các thợ mỏ khác. Họ đào bằng cách xác thực giao dịch theo các khối, mỗi lần xác thực thành công, “thợ mỏ” sẽ được trả thưởng bằng tiền ảo. Còn với Pi thì mỗi ngày chỉ cần... điểm danh một lần là xong.

Tuy nhiên, Pi không công bố công nghệ lõi cũng như giấu kín mã nguồn. Mọi dự án blockchain, tiền ảo đều phải theo nguyên tắc minh bạch. Ngay cả Bitcoin, ETH cũng phải công khai mã nguồn để thể hiện tính phi tập trung, vậy mà Pi lại không. Pi Network đưa ra nhiều thông tin mang tính tích cực và khẳng định dự án của mình khắc phục được các tồn tại của các tiền điện tử phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, các thông tin này được đánh là "mơ hồ", chung chung, và không có bất cứ kế hoạch thực thi nào để hiện thực hoá những tuyên bố đó.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, lừa đảo

Theo nghiên cứu của Exodus, ứng dụng Pi Network dùng tới 11 tracker để thu thập dữ liệu người dùng phục vụ cho mục đích khác. Chính điều này khiến giới chuyên gia lo ngại dự án không mang lại giá trị, khiến người dùng tốn công sức và có thể gây rò rỉ dữ liệu cá nhân.

Nguy hiểm hơn, chỉ là một ứng dụng đào tiền ảo nhưng Pi yêu cầu tới 28 quyền truy cập bao gồm các quyền vô lý như đọc danh bạ, xem thông tin mạng, sử dụng phần cứng sinh trắc học, sử dụng phần cứng vân tay, kiểm soát trạng thái mạng... Nhưng đáng nói hơn là, những thông tin về ứng dụng Pi Network hiện khá hạn chế cho dù nó là một ứng dụng về đào tiền ảo và liên quan đến quyền lợi người dùng. Chỉ có những thông tin phía quản trị ứng dụng công bố thì người chơi mới được biết, còn lại đều mập mờ.

Và khi Pi Network đã có thể nằm trong điện thoại của hàng triệu triệu người dùng, qua các phiên bản nâng cấp, cập nhật họ hoàn toàn có thể lấy được nhiều dữ liệu sâu hơn, riêng tư và nhạy cảm hơn từ thiết bị chứ không chỉ là những thông tin, dữ liệu phổ biến như tên, số điện thoại, tài khoản Facebook... Người dùng được gì thì đến lúc này chưa rõ. Nhưng về phía ứng dụng, khi lượng người dùng tăng lên đông đảo với thông tin cá nhân họ thu thập được, họ hoàn toàn sử dụng cho việc kinh doanh thu lợi hoặc dấy lên nhức nhối mua bán thông tin, dữ liệu người dùng khi không có gì đảm bảo an toàn cho phía người sử dụng cả.

Mặt khác, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm cộng đồng Pi Network trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đang rầm rộ “khoe” các giao dịch, trao đổi hàng hóa bằng đồng tiền ảo Pi dấy lên nhiều nghi vấn trong dư luận. Nhiều dấu hiệu cho thấy đây chỉ là chiêu “lùa gà”, đẩy giá của những người đang ôm Pi nhằm đẩy giá Pi lên cao.

Trang fanpage “khoe” đi du lịch, nghỉ dưỡng bằng Pi

Bên cạnh đó, việc giao dịch bằng đồng Pi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro lừa đảo trong tình thế giá Pi đang “loạn” như hiện nay. Các đối tượng có thể dụ dỗ người dân mua Pi hoặc dùng Pi để trao đổi hàng hóa, khi người dân chuyển tiền hoặc chuyển Pi cho đối tượng thì đối tượng sẽ ngay lập tức chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt. Ngoài ra, các nơi chấp nhận thanh toán bằng đồng Pi được các đối tượng quảng cáo rầm rộ trên các diễn đàn mạng xã hội vẫn đặt một dấu hỏi lớn về tính chính xác, minh bạch vì hầu như các thông tin về thanh toán, các hóa đơn chứng từ có liên quan đều rất mơ hồ.

Tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận

Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào và cũng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo vì chúng không được pháp luật bảo hộ. Do đó, người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum  khuyến cáo người dân, các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra. 

Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao Tỉnh Kon Tum (https://www.facebook.com/anninhmangkontum) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

 

 


Tác giả: Trung Đức