Cảnh báo tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Kon Tum liên tiếp khởi tố nhiều vụ án hiếp dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi. Điều đáng nói, trong những vụ án này, bị hại và thủ phạm đều là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum xảy ra 04 vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó có 100% trẻ em là nữ bị xâm hại tình dục. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em: Hầu hết những người xâm hại tình dục đều là nam giới và các trẻ bị xâm hại bởi người quen biết, như họ hàng, bạn của gia đình hoặc hàng xóm....
Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố Kon Tum tiếp nhận đơn trình báo về việc cháu Y (Sinh năm 2010, trú tại thôn KonHraChót, P. Thống Nhất, TP. Kon Tum) bị đối tượng A.W (Sinh năm 2000, trú cùng thôn) có hành vi quan hệ tình dục trái với ý muốn tại ngôi nhà bỏ hoang thuộc thôn KonHraChót, P. Thống Nhất, thành phố Kon Tum khi cháu Y đang trên đường cắt cỏ cho bò về. Nhận được tin báo, lãnh đạo Công an thành phố xét thấy vụ việc có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng nên đã phân công Đội Điều tra tổng hợp và Công an phường Thống Nhất phối hợp với gia đình lấy lời khai của người bị hại; đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành điều tra, làm rõ. Trong quá trình thụ lý điều tra vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra còn phát hiện thêm tình tiết đáng chú ý là A.W có mối quan hệ họ hàng (chú họ) với cháu Y.
Cũng liên quan đến tội phạm này, trước đó ngày 20/5/2024, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Kon Tum tiếp nhận tin báo về tội phạm về việc phát hiện trường hợp cháu A (trú tại xã ĐăkBlà, TP. Kon Tum) nhẽ ra ở độ tuổi cắp sách đến trường thì lại sinh được 01 bé gái vào ngày 20/12/2023. Tại thời điểm sinh con, cháu A mới chỉ ở độ tuổi 15. Qua quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT xác định, vào năm 2022, đối tượng A.X (sinh năm 2000, trú tại xã ĐăkBlà, TP. Kon Tum) đã có hành vi quan hệ tình dục nhiều lần với cháu A. Hậu quả cháu A mang thai và sinh con. Hiện vụ án đang được Công an tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm.
Các hành vi xâm hại trẻ em cũng gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức xã hội, gây tâm lý lo lắng trong dư luận. Những vụ xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề, người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh; đồng thời người bị hại, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng, sống biệt lập trong một thế giới riêng. Trẻ có thể bị xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, phổ biến là xâm hại bằng cách đụng chạm được bộc lộ qua một số hành vi như hôn hít hoặc ôm trẻ em theo kiểu tình dục, thay đổi từ việc sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, thủ dâm, tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay, giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn. Xâm hại tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, tìm cách hướng dẫn, kích thích tình dục trẻ, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em.
Hình ảnh minh họa
Cơ quan CSĐT nhận định, ngoài những vụ việc được phát hiện, đưa ra ánh sáng thì vẫn còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng do nhiều lý do, như: nhận thức còn hạn chế, tục tảo hôn vẫn còn phổ biến ở những vùng sâu, vùng xa… nên gia đình không báo với cơ quan chức năng. Do vậy, để góp phần ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, bên cạnh công tác điều tra xử lý của lực lượng Công an, đề nghị Ban chỉ đạo phogf, chống tội phạm các xã, phường có các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ đối với trẻ em và gia đình trẻ bị xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em là người ĐBDTTS, cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, bảo vệ; tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, trẻ em và người chăm sóc trẻ. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân trên địa bàn để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa, tránh nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, đặc biệt hơn là phụ nữ và trẻ em ở những vùng dân trí thấp như vùng ĐBDTTT, gây gánh nặng cho bản thân, gia đình và toàn xã hội./.
Hình ảnh minh họa