A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bẻ gãy” luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trước thềm bầu cử

Càng gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch càng điên cuồng tiến hành nhiều hoạt động chống phá cuộc bầu cử hòng từng bước thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đã được chúng xác định từ lâu.

http://www.tuyengiao.vn/Uploads/2021/3/17/27/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-hoi-dong-nhan-dan-la-nghia-vu-va-quyen-loi-cua-moi-nguoi-dan.jpg

Ảnh minh họa

Những luận điệu xuyên tạc

Các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đưa ra những luận điệu sai trái, những thông tin xuyên tạc thiếu trung thực, phiến diện, quy chụp với mục đích hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, gieo rắc nhận thức lệch lạc, sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử ở nước ta.

Chúng đưa ra luận điệu hết sức sai lệch và thâm hiểm như: “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử” v.v…Trong đó, có quan điểm cho rằng: bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND chỉ là nghĩa vụ chứ không phải quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự. Đây là một quan điểm sai trái, xuyên tạc, thiếu chính xác của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 ở nước ta nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của chúng.

Một trang web đăng tải thông tin xuyên tạc cuộc bầu cử để kích động, chống phá.

Với mưu đồ chống phá công tác bầu cử, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã xuyên tạc bản chất vấn đề, đưa ra những luận điệu sai trái, khi cho rằng bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự. Những luận điệu xuyên tạc này của chúng nhằm hướng lái dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc để hiện thực hóa mục đích “cài cắm mầm mống dân chủ” vào Quốc hội, HĐND các cấp với mưu đồ biến nghị trường thành diễn đàn để các đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và thực hiện “chiến lược diễn biến hòa bình” làm nước ta tự suy yếu từ bên trong.

Trên nhiều trang mạng xã hội, các đối tượng rêu rao những luận điệu vô cùng độc hại, tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”. Chúng lan truyền những bài viết “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Những luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng mạng xã hội. Ngoài ra, trước vấn đề về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị cũng tích cực chọc ngoáy, xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề.

Theo Báo Công an Nhân dân, Việt Tân đã cho lập mới hơn 300 tài khoản và nhiều diễn đàn kín, kết hợp với những diễn đàn trước đó như “Canh Tân”, “Bạn của Việt Tân”, “Bạn của Nguyễn Quốc Quân”…, duy trì gần 1.000 tài khoản mạng xã hội, đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông tin tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, phá hoại tư tưởng. Ý đồ của chúng là thu nạp mới các tuyên truyền viên, để tuyên truyền những “thông điệp” của Việt Tân trong cộng đồng người thân và bạn bè, từ đó, tác động tư tưởng, phát hiện đầu mối giới thiệu cho tổ chức thông qua các trang facebook. Việt Tân đồng thời duy trì các trang web, đài phát thanh và lập bản tin, cung cấp tài chính, phương tiện cho số đối tượng trong nội địa của chúng thu thập thông tin, viết bài công kích trực tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, tập trung khai thác những sự kiện được dư luận quan tâm, lồng ghép thông tin xuyên tạc tình hình, bôi nhọ, vu cáo các cơ quan chức năng của nước ta.

Quyền bầu cử và ứng cử là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân

Trải qua hơn 75 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng phát triển, tự hoàn thiện, đồng hành cùng dân tộc, thực sự là nơi xây nên nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu

Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu

Tại Điều 18 Hiến pháp năm 1946: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”, và tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1959 (Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (Điều 54). Hiến pháp năm 2013 và quyền của công dân luôn gắn liền với nghĩa vụ của công dân.

Trong đó, Điều 15, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”, Điều 21 cũng quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân…”.

Theo Điều 2 Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”. Đồng thời, Khoản 5, Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp”.

Rõ ràng, Việt Nam không hề có hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân đồng thời, việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề của mỗi công dân nhằm lựa chọn cho mình những người đại diện và trao quyền cho họ thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc.

Trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, các công dân cử tri đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, tích cực tham gia vào cuộc bầu cử. Điển hình như trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào ngày 22/5/2016, hơn 69 triệu cử tri tại 91.476 tổ bầu cử trong cả nước đã đồng loạt đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí phấn khởi, tin tưởng, thành công tốt đẹp. Ngày bầu cử đã thực sự trở thành dịp sinh hoạt chính trị của đồng bào nhân dân cả nước.

Lý luận và thực tiễn sinh động tại Việt Nam đã và đang “bẻ gãy” những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động là hoàn toàn xuyên tạc, sai sự thật, nhằm xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Công tác bầu cử diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn, thách thức. Vì vậy, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 được diễn ra thành công, mỗi người dân phải sáng suốt nhìn nhận bản chất và mưu đồ của của các thế lục thù địch để đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự đồng lòng, ủng hộ và đoàn kết của toàn dân chính là sức mạnh to lớn để Đảng ta vững vàng chèo lái, dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn, đập tan mưu đồ đen tối của chúng.

Hoài Anh