A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các mối đe dọa lộ, lọt bí mật nhà nước từ không gian mạng

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã và đang triệt để lợi dụng Internet thu thập tin tức bí mật nhà nước (BMNN) phục vụ mưu đồ chính trị chống phá Nhà nước ta.

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước: Cần tiếp tục chỉnh lý - Báo Khánh Hòa điện tử

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Các thông tin bí mật được bảo vệ

Tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ BMNN quy định: “Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”. Đó có thể là tài liệu, dữ liệu chứa bí mật, địa điểm bí mật, công trình bí mật, thân phận bí mật, mối quan hệ bí mật, lộ trình hoặc quá trình hoạt động bí mật, thông tin sinh trắc học hoặc bệnh lí của các nhà lãnh đạo đất nước, những bản thiết kế, quy trình điều khiển.

Luật Bảo vệ BMNN năm 2018 không chỉ quy định những vấn đề liên quan đến các chiến lược an ninh chính trị, an ninh quốc gia, cơ yếu, quốc phòng, quân sự, đối ngoại… nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, mà còn quy định những nội dung không được phép để rò rỉ, tán phát, như: Thông tin về quy trình chuẩn bị và triển khai, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ; đề thi, đáp án thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức; đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia…

Tình trạng lộ BMNN trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2019, đã phát hiện hàng trăm trang web tên miền quốc gia bị tấn công; 127 trang và 349 cổng thông tin điện tử của nhiều cơ quan, đơn vị tồn tại các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng; 40 vụ lộ bí mật nhà nước qua internet với 241 đầu tài liệu. Đáng chú ý, tin tặc gia tăng tấn công mạng vào các cơ quan trọng yếu và các tập đoàn kinh tế lớn để thu thập, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước. Các đối tượng này duy trì chiến dịch tấn công liên tục với các kỹ thuật tấn công mới, nâng cấp các dòng mã độc, bám sát tình hình chính trị, xã hội ở nước ta để thay đổi thủ đoạn tán phát mã độc cho đến khi xâm nhập thành công. Điển hình như tin tặc đã tán phát mã độc đính kèm thư điện tử giả mạo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đánh lừa người dùng nhấn mở tệp để lây nhiễm mã độc và đánh cắp thông tin, dữ liệu trên máy tính người dùng, đặc biệt là thông tin của Chính phủ, các bộ, ban, ngành. (trích Bảo đảm an ninh mạng trong thời kì mới, Tạp chí cộng sản)

Các mối đe dọa từ không gian mạng

Chúng ta luôn có nhiều cách để truy cập hoặc tiếp cận BMNN từ không gian mạng dù đó là thông tin bí mật ở dạng nào. BMNN có thể bị lộ, mất chỉ vì một sự không tuân thủ nhỏ. Các tài liệu chứa bí mật có thể được soạn thảo, lưu trữ trên thiết bị kết nối internet, bị đưa ra khỏi phạm vi bảo vệ và các thiết bị lưu trữ ngoài như USB hoặc các kết nối không giây như blutooth, wifi; bị gửi qua email, chat; các tài liệu bí mật được chụp lại bằng điện thoại di động và ngay lập tức có mặt trên dịch vụ lưu trữ đám mây của apple, google hay microsoft. Hệ thống mạng hoặc thiết bị lưu trữ bí mật được kết nối với thiết bị có kết nối Internet, thông tin bí mật được đề cập qua các trao đổi trên không gian mạng. Cuộc họp bị ghi âm ghi hình bởi một thiết bị điện thoại bị kiểm soát. Thiết kế và cấu hình của toàn bộ hệ thống mạng cần được bảo vệ bị lộ từ một thiết bị cá nhân do nhân viên mang tới nơi làm việc bị kiểm soát. Địa điểm bí mật bị tiết lộ bởi một chia sẻ vị trí hoặc từ hậu cảnh của một bức ảnh đăng tải công khai. Khuôn mặt của nhân vật bí mật bị nhận ra bởi trí tuệ nhân tạo và những mối quan hệ bí mật bị phát hiện bởi khuôn mặt trong bức ảnh hoặc xuất hiện tại một địa điểm có camera giám sát. Hoặc bằng phân tích dữ liệu lớn từ vòng kết nối của họ trên mạng xã hội. Và ngay khi thiết bị được cách ly hoàn toàn với Internet thì thông tin bí mật vẫn có thể bị rò rỉ bởi bức xạ điện tử, bức xạ nhiệt, sóng âm, sóng ánh sáng và bị thu thập qua không gian mạng.

Một ma trận các mối đe dọa từ không gian mạng luôn bao vây các thông tin bí mật của chúng ta vậy chúng khởi phát từ đâu? Đứng đầu danh sách là các cơ quan đặc biệt nước ngoài, mỗi năm hàng chục tỷ đô la được chi cho lực lượng an ninh tình báo quân sự để triển khai các hoạt động trên không gian mạng nhằm chiếm đoạt, thu thập hoặc phá hủy thông tin bí mật.

Nguồn đe dọa tiếp theo là các hãng công nghệ thu thập thông tin trên các thiết bị, ứng dụng và dịch vụ mạng trở thành đặc quyền của các hãng công nghệ. Về lý thuyết các hãng này có thể thu thập bất cứ dữ liệu nào được tạo ra lưu trữ, xử lý trên các thiết bị, ứng dụng, dịch vụ mạng của hãng. Mặc dù luôn có những cam kết nhưng trên thực tế các hãng công nghệ đang chứng minh theo chiều ngược lại bằng cách cố ý và bí mật thu thập nhiều hơn dữ liệu hoặc để lại các của hậu để truy cập bất cứ khi nào cần. Cuối tháng 3-2018, Facebook bị tố làm rò rỉ thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng. Chúng được thu thập bởi Aleksandr Kogan và bán cho Cambridge Analytica. Số dữ liệu này sau đó được cho là có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, con số 50 triệu đó chỉ là khởi đầu khi mà không lâu sau đó, chính Facebook đã thừa nhận số lượng người dùng bị rò rỉ thông tin cá nhân cao hơn rất nhiều, lên tới 87 triệu.

Chủ quan là nguyên nhân chính dẫn dến lộ, mất BMNN nghiêm trọng hiện nay, phổ biến là dùng điện thoại thông minh chụp ảnh tài liệu mật hoặc trao đổi thông tin tài liệu mật qua email, chat. Soạn thảo, lưu trữ tài liệu bí mật ngay trên máy tính kết nối Internet, kết nối trực tiếp máy tính nội bộ với Internet hoặc kết nối với điện thoại thông minh, dùng usb tràn lan và kết nối qua lại giữa máy tính Internet và máy tính nội bộ, sử dụng thiết bị cá nhân tại cơ quan, mang điện thoại thông minh vào cuộc họp, chụp ảnh trong phòng làm việc và đăng tải lên mạng xã hội…

Thời gian tới, không gian mạng tiếp tục là môi trường chủ yếu để tiến hành các hoạt động gián điệp, khủng bố, phá hoại, thực hiện các hành vi phạm tội. Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đem lại cơ hội phát triển đất nước, đồng thời phải đối mặt với những thách thức từ các mối đe dọa trên không gian mạng. Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ BMNN cho mọi người dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Phải làm cho mọi người nhận thức rằng, bảo vệ BMNN nói chung, bảo vệ những thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị nói riêng là thiết thực góp phần xây dựng môi trường thông tin an toàn, môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội, qua đó phòng, chống, ngăn chặn âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch.

Hoài Anh