Cảnh giác với hoạt động lập trang web tuyên truyền chống Việt Nam trên Internet
Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng thông qua website hiện nay diễn ra khá phức tạp cả về đối tượng tuyên truyền, nội dung, phương thức, thủ đoạn cũng như mục đích tuyên truyền cụ thể. Hàng loạt các luồng thông tin phản động từ mọi hướng đều nhằm vào mục đích chống Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau đã tác động đến tư tưởng trong một bộ phận quần chúng nhân dân.
Phá hoại tư tưởng luôn là mặt trận hàng đầu trong các hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Chúng tiến hành hoạt động này một cách thường xuyên, liên tục và lâu dài với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau nhằm từng bước tạo ra tiền đề cho việc thực hiện âm mưu xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các thế lực thù địch luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn phá hoại tư tưởng theo từng đặc điểm tình hình nhất định và không ngừng cải tiến để tìm ra phương thức, thủ đoạn mới đạt hiệu quả cao trong hoạt động chống phá. Trong đó, các website đã trở thành một lựa chọn mới về phương tiện tuyên truyền phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch.
Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những ưu thế của Internet để gia tăng hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, cổ xúy cho tư tưởng phân biệt chủng tộc, kích động hận thù, phá hoại đoàn kết quốc tế
Với những ưu thế về truyền thông, website đã được các thế lực thù địch chú ý sử dụng trong hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng của mình ngay từ khi website bắt đầu trở thành phương tiện truyền thông phổ biến. Đặc biệt, sau khi Việt Nam chính thức kết nối vào hệ thống Internet năm 1997, hoạt động lập trang web tuyên truyền phá hoại tư tưởng chống Việt Nam ngày càng nở rộ. Do tính đơn giản về kĩ thuật và thấp về kinh phí của việc lập và lưu thông website trên Internet nên hầu như các đối tượng thù địch với Việt Nam đều lập ra các website nhằm tuyên truyền phá hoại tư tưởng chống Việt Nam. Các đài phát thanh RFA, BBC, VOA tiến hành hoạt động tuyên truyền với hệ thống website đồ sộ, các tổ chức nhỏ hơn cũng tiến hành hoạt động tuyên truyền với hệ thống website nhỏ hơn phù hợp với khả năng, thậm chí một số cá nhân có tư tưởng thù địch với Việt Nam cũng tiến hành lập các website phục vụ cho mục đích tuyên truyền của mình.
Hoạt động lập trang web tuyên truyền chống Việt Nam trên Internet ngày càng nhiều đến mức có thể gọi là “trăm hoa đua nở”. Các trung tâm phá hoại tư tưởng nước ngoài lập các trang web để tuyên truyền những giá trị tư sản, đưa những bài viết, tư tưởng xuyên tạc về tình hình Việt Nam đến công chúng. Các đảng phái phản động lập ra các website để gây thanh thế cho đảng phái, đồng thời truyền bá những quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta. Các tổ chức phản động khác lập ra các website để tuyên truyền các tư tưởng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, xuyên tạc tình hình ở Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo. Các phần tử bất mãn, cơ hội lập ra các website để tuyên truyền cho chủ nghĩa “xét lại” và những tư tưởng đối lập với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta hoặc đơn thuần chỉ là để “bộc bạch” những bất mãn của chúng.
Các website tuyên truyền phá hoại tư tưởng nhìn chung rất đa dạng về hình thức. Có website công khai việc đối lập với Việt Nam, chẳng hạn website “Đối thoại” (www.doi-thoai.com) công khai đặt khẩu hiệu “Đối thoại- Diễn đàn đối lập với Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam”; có website nấp dưới bóng những luận điệu đòi “tự do tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá như website “Mạng lưới dân chủ Việt Nam” (www.vietdemocracynetwork.net), “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” (www.vietnamhumanrights.net); có website chuyên chống phá, chuyên đăng tải những thông tin tuyên truyền chống Việt Nam như website “Thông luận” (www.thongluan.org), “Ý kiến” (www.ykien.net); có website không đề cập ngay vào những thông tin tuyên truyền chống phá Việt Nam mà đưa các thông tin, tài liệu chung trên nhiều lĩnh vực, trong các mục của website chỉ có một vài mục chống phá Việt Nam, chẳng hạn website “Tiếng nói giáo dân” (www.tiengnoigiaodan.net) đăng rất nhiều mục về kinh sách, giáo lý… như các website tôn giáo thông thường, tuy nhiên lại có thêm mục “tự do tôn giáo” đưa lên hàng loạt tin tức vu cáo Việt Nam xâm phạm tự do tôn giáo.
Xét về mặt thời gian, các website tuyên truyền phá hoại tư tưởng xuất hiện đầu tiên phải kể đến là các website của các trung tâm truyền thông đại chúng nước ngoài như RFA, VOA, BBC, bởi những trung tâm này có thế mạnh về kinh phí và kỹ thuật, chúng tiến hành các hoạt động phá hoại tư tưởng trên website đồng thời với hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng trên các phương tiện truyền thông cổ điển nhằm bổ sung cho những phương tiện này. Cùng với sự phát triển về kỹ thuật và giảm kinh phí của dịch vụ web, các tổ chức, đảng phái phản động vốn có khung tổ chức cũ với nguồn kinh phí nhất định cũng thành lập các website để gây thanh thế cho tổ chức, đảng phái và tiến hành các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Việc lập các website ngày càng phổ biến theo xu thế chung của hoạt động truyền thông hiện đại, ngay cả một nhóm vài cá nhân có tư tưởng chống đối hay một cá nhân có tư tưởng chống đối cũng thành lập website tuyên truyền chống Việt Nam.
Các luận điệu tuyên truyền trong từng website cũng khác nhau tùy theo từng đối tượng tiến hành. Có website đưa ra các lời lẽ chống phá rất quá khích, cay độc; có website lại dùng những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng hàm chứa ẩn ý sâu cay, có website dùng những luận điệu có vẻ khoa học thông qua các bài bình luận mang màu sắc chính trị hay dùng tác phẩm văn thơ truyện kí để đả kích, xuyên tạc. Nội dung tuyên truyền trong các website bên cạnh những vấn đề chung về lý luận, nội dung chính vẫn là diễn biến tình hình thường nhật ở Việt Nam. Chúng luôn chú ý vào các sự kiện “nóng” nhất trong xã hội, nhất là các hiện tượng tiêu cực và các sự kiện hiện tượng khác mà chúng có thể lợi dụng để chống phá Việt Nam. Hầu hết các website đều có mục tin tức với nhiều tên gọi khác nhau như “Tin quốc nội”, “Tin tức Việt Nam”, “Thời sự Việt Nam”…để đăng tải các thông tin “khách quan” về tình hình Việt Nam nhưng thực chất là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn tình hình tại Việt Nam. Đặc biệt, khi ở Việt Nam xảy ra các sự kiện “nóng” đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước, các website thường dành một chuyên mục về sự kiện đó, chẳng hạn chuyên mục “Xáo trộn ở Tây Nguyên” được website của Đài Á châu tự do (www.rfa.org) lập ra khi ở Việt Nam xảy ra vụ bạo loạn Tây Nguyên năm 2004. Thậm chí, lập ra một website riêng về sự kiện “nóng” như website www.biendong.org được lập ra khi ở Việt Nam đang xảy ra vụ việc phức tạp về tình hình Biển Đông.
Thời gian gần đây, các báo, tạp chí phản động cũng được các thế lực thù địch chuyển thành dạng “số hóa” trên web, như Tạp chí Thông luận (www.thongluan.org), Báo cánh én (www.canhen.de), Tạp chí Hợp lưu (www.hopluu.net)… Việc đưa các báo, tạp chí này lên web làm hiệu quả tuyên truyền được nâng cao rất nhiều so với hoạt động tuyên truyền bằng ấn bản vì các ấn bản báo chí hầu như rất khó xâm nhập vào Việt Nam bởi sự quản lý, kiểm soát hiệu quả của cơ quan an ninh.
Một xu hướng mới trong hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng thông qua website thời gian gần đây là hình thành các website chuyên đăng tải ý kiến phản hồi, góp ý kiến của công chúng. Nổi bật như website “Ý kiến” (www.ykien.net) hay website “Dân chủ” (www.danchu.net). Các website này chuyên đăng tải các thông tin dạng như “Đơn thư kiến nghị”, “Ý kiến đóng góp”…của tất cả các loại đối tượng. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng trong nước tán phát thông tin tuyên truyền phá hoại tư tưởng trên mạng.
Với những ưu điểm nổi trội, các website đã được các thế lực thù địch triệt để sử dụng trong hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng chống Việt Nam và trở thành một công cụ đắc lực. Các website vừa khắc phục nhược điểm của các hình thức tuyên truyền cổ điển, nâng cao hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, đồng thời cũng mở ra hướng phát triển mới trong hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch./.
Mộng Hoài Nhung