A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

COVID-19 và cuộc chiến với tin giả

Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, tình trạng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh này cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, bất chấp hàng trăm trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý trước đó.

Tràn lan tin giả, tin sai sự thật về Covid-19

Ngay những ngày đầu tiên nước ta có các ca nhiễm SARS-CoV-2, trên nhiều trang mạng cá nhân đã lan truyền những thông tin thất thiệt về số ca mắc dương tính với virus corona, các khu phố bị phong tỏa, cách ly vì nghi có người nhiễm bệnh; thậm chí nhiều trang facebook còn lan truyền các trường hợp tử vong do nhiễm SARS-CoV-2… đã gây tâm lý hoang mang nhất định đối với người dân cả nước. Nguồn gốc các thông tin chủ yếu do các cá nhân tung lên mạng xã hội sau đó được một bộ phận người đọc chia sẻ lại, nhưng hầu hết đều không chính xác và thiếu sự kiểm chứng của cơ quan chức năng.

Không chỉ lan truyền thông tin thất thiệt, tin giả về tình hình diễn biến dịch bệnh, mà tin giả còn “tấn công” làm sai lệch các chủ trương, chính sách được Chính phủ ban hành trong suốt quá trình triển khai các biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh. Đơn cử, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 về việc áp dụng nghiêm chủ trương cách ly giãn cách xã hội, với những tin đồn thất thiệt về việc “ngăn sông cấm chợ” trên mạng xã hội, khiến nhiều nơi xuất hiện tình trạng người dân vì hoang mang, lo lắng thái quá đã đổ xô đi mua, tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, gây ra cảnh chen chúc, ảnh hưởng đến quy định giãn cách xã hội, nhất là việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.

Vô hình chung, chính sự nhẹ dạ, cả tin cùng thói quen chia sẻ thông tin vô tội vạ, thiếu kiểm chứng đó của một bộ phận người dân đã tạo mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng xấu lan truyền tin giả, thông tin thất thiệt về tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước và địa phương nơi mình sinh sống; gây xáo trộn tâm lý trong dư luận; tạo ra áp lực và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị các cấp.

Tin giả nhanh chóng bị phát hiện, xử lý

Lợi dụng tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, vừa qua một số chủ tài khoản facebook đã đưa tin sai sự thật. Công an các địa phương đã kịp thời phối hợp Sở TT&TT ngăn chặn và xử phạt các đối tượng.

Gần đây nhất vào ngày 5/8, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Nho Quan và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình triệu tập và làm rõ hành vi đăng tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với Quách Công Luận, SN 1995, trú tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình.

Trước đó, ngày 28/7/2021, Quách Công Luận đi từ tỉnh Hoà Bình sang tỉnh Ninh Bình. Đến khu vực cầu Lập Cập, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan phát hiện chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Ninh Bình đang làm nhiệm vụ, Quách Công Luận đã sử dụng điện thoại livestream trên 2 tài khoản Facebook “Luận Dạy Lái” và “Quách Công Luận” với các nội dung “Ngăn sông cấm chợ. Mn chia sẻ Cầu Lập cập cấm đường xuống nho quan nha” và “Cấm Đường Cầu Lập cập xuống Nho Quan mọi người chú ý nhé. Lên đc nhưng xuống thì ko” sai sự thật về hoạt động của các chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình.

Hay tại Vĩnh Long, Phòng An ninh chính trị nội bộ đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với Đ.V.C. (SN 1981, ngụ huyện Long Hồ) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Hệ lụy đầu tiên những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 mang đến đó là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Người dân lẫn lộn giữa tin đúng và tin thất thiệt, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư. Nhiều thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội đã khiến cư dân không ngừng lo lắng. Không dừng lại ở đó, thông tin về đời tư của một số người không may nhiễm Covid-19 hoặc người thuộc diện cách ly y tế cũng bị nhiều cá nhân xuyên tạc, “nói quá” để câu like trên mạng xã hội.

Cuộc chiến chống tin giả – cần sự chung tay của cả cộng đồng

Ngày 15/4/2020, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực; Nghị định gồm 124 điều 09 chương. Nội dung đáng chú ý trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Theo đó, từ ngày 15/4/2020, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch COVID-19, gây hoang mang trong Nhân dân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (theo điểm a, d khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020 và thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP).

Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Theo điểm 1.4 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã phao tin nhảm, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó. Họ chọn cách tung ra những thông tin sai, chưa kiểm chứng, thậm chí nguy hiểm, độc hại để gây hoang mang trong xã hội.

Điều đáng lo là những tin tức chết chóc gây hoang mang, khiếp hãi, hỗn loạn trong dân chúng thì lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền. Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, các chuyên gia an ninh mạng luôn cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người dùng.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống không hoang mang, lo lắng thái quá.

Ngoài ra, trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi người dùng mạng xã hội trước hết cần trở thành “người đọc thông thái” với trách nhiệm công dân thật sự đầy đủ trong việc đưa tin, chia sẻ thông tin. Mỗi “cư dân mạng” cần bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật, thật sự trở thành một phần của “lá chắn” trước những luồng thông tin độc hại.

Hoài Nhung

 


Tin liên quan