A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không thể phủ nhận nỗ lực phòng, chống tội phạm mua bán người của Việt Nam

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2022. Báo cáo này đã có những nhận xét không khách quan, không phản ánh những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian qua.

Nhận xét không khách quan về nỗ lực phòng, chống tội phạm mua bán người của Việt Nam

Mặc dù đã ghi nhận sự cố gắng của Việt Nam trong một số lĩnh vực như: Ban hành hướng dẫn thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi; tăng cường xác định và bảo vệ nạn nhân, hợp tác thực thi pháp luật quốc tế; đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), song báo cáo vẫn đánh giá Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về loại bỏ mua bán người và không có nỗ lực đáng kể để cải thiện. Chính vì vậy,  sau 03 năm liên tiếp ở Nhóm 2-Theo dõi, Việt Nam đã bị hạ xuống Nhóm 3-các quốc gia trong danh sách này sẽ phải chịu một số chế tài nhất định từ chính quyền Mỹ.

Lãnh đạo các Bộ, ngành cam kết chung tay phòng, chống tội phạm mua bán người (Ảnh minh họa)

Lý do tác động vị thứ xếp hạng của Việt Nam như trên khi báo cáo cho rằng: Chính quyền tiếp tay trong một số vụ mua bán người, cưỡng bức lao động, không nỗ lực bảo vệ nạn nhân bị mua bán… Đây là những nội dung sai lệch, không khách quan, phủ nhận hoàn toàn nỗ lực của Chính phủ ta trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người thời gian qua, cần được chứng minh, làm rõ.

Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Các đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội với tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao… sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài hoặc lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage. Các đối tượng trong nước câu kết với đối tượng người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm lừa gạt, dụ dỗ, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật…

Đáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên việc các đối tượng thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh giá trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do người nước ngoài điều hành, nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc rất lớn… Điển hình, tháng 01/2022, Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, khám phá vụ án mua bán người, bắt 4 đối tượng, lừa bán 4 nạn nhân sang Campuchia và phối hợp với Bộ đội Biên phòng Tây Ninh hỗ trợ, giải cứu 4 nạn nhân trở về địa phương. Tháng 6/2022, Công an thành phố Hà Nội điều tra, khám phá vụ án mua bán người, bắt 1 đối tượng lừa bán 3 nạn nhân sang Campuchia.

Ngoài ra, các đối tượng lập hội, nhóm kín “Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó, đem bán lấy tiền hưởng lợi; dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên biển, nhiều trường hợp bị cưỡng bức lao động.

Nỗ lực phòng, chống tội phạm mua bán người tại Việt Nam: Những con số “biết nói”

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta xác định phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài. Từ khi Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2/2021, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trước tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an và các bộ, ban ngành, địa phương đã tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các mặt công tác phòng, chống mua bán người. Trong đó, Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 138/CP, tham mưu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022. Bên cạnh đó, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người trong nội địa; hoàn thiện Quy chế phối hợp liên ngành với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Để nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng với nhiều hình thức phong phú theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhất là về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh. Điển hình, Bộ Công an đã phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm nghệ thuật tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với chủ đề “Đường đến bình yên” thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập, tương tức, chia sẻ, tạo hiệu ứng tích cực cho công tác phòng, chống mua bán người.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng, chống mua bán người (Ảnh minh họa)

Tại các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo, phát động nhiều phong trào về phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người và tăng cường cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình kết hợp phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới ban hành; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao ban, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên, cán bộ cơ sở về kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người. Tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người trên các ứng dụng mạng xã hội, chỉ đạo triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”…

Trong công tác đấu tranh tội phạm mua bán người, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã tập trung nắm chắc tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, đối tượng nổi lên, số có tiền án, tiền sự về tội danh mua bán người để chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở; chủ động nắm tình hình liên quan mua bán người trên không gian mạng và rà dựng các đường dây, băng nhóm hoạt động phạm tội mua bán người để tập trung đấu tranh, ngăn chặn. Tiếp nhận kịp thời tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan mua bán người và khẩn trưởng triển khai công tác xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. Thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội để chủ động phát hiện, phòng ngừa tội phạm mua bán người. Cơ quan tố tụng các cấp phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người theo Điều 150 và Điều 151 Bộ luật hình sự; tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 66 nạn nhân bị mua bán.

Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tập trung thực hiện hiệu quả. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đường dây nóng 111), đồng thời là đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề cho các nạn nhân tại mô hình “Ngôi nhà bình yên” và các nạn nhân sau khi tiếp nhận đều được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ liên quan như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm…

Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu và tổ chức triển khai hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống mua bán người. Lực lượng Công an, Biên phòng các tỉnh có đường biên giới đất liền đã phối hợp với lực lượng chức năng phía Trung Quốc, Lào, Campuchia duy trì giao ban thường xuyên, thiết lập đường dây nóng, chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội mua bán người và giải cứu, tiếp nhận, hõ trợ nạn nhân bị mua bán.

Những kết quả trên là minh chứng rõ nét, khách quan về nỗ lực phòng, chống hành vi mua bán người của Chính phủ nước ta thời gian quan. Tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán người và đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là mục tiêu các Bộ, ban, ngành, địa phương luôn chú trọng thực hiện để bảo vệ quyền con người, quyền công dân trước loại tội phạm này.

 

 

 

 


Tác giả: Khánh Vi