A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không thể xuyên tạc nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam

Bài 1: Điểm sáng Việt Nam trên bản đồ thế giới

Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với sức mạnh của ý Đảng, lòng dân, với tinh thần và bản lĩnh riêng, Việt Nam vừa là “ngọn hải đăng” trong chống dịch COVID-19 và “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống dịch, thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.

Hơn 1 năm chống dịch COVID-19: Việt Nam biến những mối nguy thành cơ

Dịch COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 12/2019, Việt Nam ngay sau đó ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/01/2020. Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đến nay có thể chia làm 03 giai đoạn:

– Giai đoạn 1 gồm 2 đợt dịch: Đợt 1 từ 22/01/2020 đến 5/3/2020: Có 16 ca mắc (8 ca nhập cảnh và 8 ca trong cộng đồng), các ca mắc chủ yếu là người trở về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc; đợt 2 từ 6/3/2020 đến 22/7/2020: Có 399 ca mắc, trong đó có 98 ca trong cộng đồng. Sau giai đoạn 1, có 99 ngày Việt Nam không phát hiện ca mắc trong cộng đồng.

Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch, được WHO và nhiều nước công nhận là biện pháp đúng đắn, hiệu quả.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng biện pháp bắt buộc khai báo y tế đối với người nhập cảnh, yêu cầu tổ chức cách ly tập trung với các trường hợp đi về từ vùng có dịch và sau đó áp dụng cách ly tập trung đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh.

Đặc biệt, ngay từ đầu, Chính phủ đã huy động lực lượng Quân đội thực hiện các nhiệm vụ như cách ly tập trung, kiểm soát nhập cảnh trên các tuyến biên giới. Các lực lượng y tế, khoa học công nghệ cũng nhanh chóng vào cuộc và sớm thành công trong nghiên cứu phân lập vi rút, chế tạo KIT thử, xây dựng liệu pháp điều trị…

Trong đợt dịch 2 của giai đoạn 1, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, từ ngày 01/4/2020 cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là quyết định rất mạnh mẽ, đúng đắn và kịp thời giúp hạn chế sự lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, Việt Nam đã áp dụng thực hiện truy vết các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh, đây là biện pháp được nhiều quốc gia học tập, áp dụng đạt hiệu quả cao.

Việt Nam đã thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước và đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, lao động tay nghề cao nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy tạo lập trạng thái bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho người lao động mất việc, giảm sâu thu nhập và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn có biện pháp bảo đảm tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu…

– Giai đoạn 2 từ 23/7/2020 với 388 ca mắc (35 ca tử vong) chủ yếu tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác; hầu hết các ca mắc đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng. Mặc dù ở giai đoạn này, tình dịch diễn biến nhanh, khả năng lây lan rộng và nguy cơ tử vong cao do xuất hiện các ổ dịch tại khoa điều trị bệnh nhân nặng trong bệnh viện. Tuy nhiên, các biện pháp ứng phó được thực hiện nhanh, quyết liệt, đồng bộ, Bộ Y tế đã thiết lập Bộ phận thường trực đặc biệt “Sở chỉ huy tiền phương” và huy động các chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ khu vực xảy ra dịch, đồng thời huy động các đơn vị y tế trực thuộc, địa phương cử chuyên gia, cán bộ y tế hỗ trợ cho Đà Nẵng, Quảng Nam. Tất cả các địa phương đã kích hoạt trở lại hệ thống phòng, chống dịch nên đã xử lý các ổ dịch nhanh và kịp thời.

– Giai đoạn 3 từ 25/01/2021 đến nay với 908 trường hợp mắc có liên quan đến đợt dịch này chủ yếu tại Hải Dương, ngoài ra 12 tỉnh, thành phố khác cũng ghi nhận các ca mắc.

Với sự xuất hiện biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, dịch bệnh xuất hiện trở lại trong thời gian đang diễn ra Đại hội XIII của Đảng và cận kề dịp Tết Nguyên đán. Bằng tinh thần tích cực, khẩn trương, các cơ quan và các địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch; đặc biệt Bộ Y tế đã ngay lập tức điều động hơn 10 đơn vị với hơn 1.200 cán bộ trực tiếp hỗ trợ công tác truy vết, xét nghiệm, điều trị và thiết lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện hiệu quả chiến lược truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp để hạn chế tối đa tác động đến đời sống, an sinh xã hội của người dân. Đến nay, tại tỉnh Hải Dương, 10 ngày gần đây chỉ còn 4/12 huyện, thành phố (thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, huyện Kim Thành và huyện Cẩm Giàng) ghi nhận rải rác 1-2 ca mắc mới trong ngày, đều là các trường hợp đã được cách ly từ trước; các địa phương khác đã qua 21 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

Hơn một năm dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới đã khiến nhiều quốc “chao đảo.” Tại nhiều nước, kể cả những nước phát triển nhất, ngành y tế dường như rơi vào tình trạng thất thủ. Trong sự quay cuồng bởi COVID-19 gây ra cho toàn cầu, năm 2020 đã đánh dấu điểm sáng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Truyền thông quốc tế liên tục có bài viết về Việt Nam – hình mẫu chống dịch, bài học kinh nghiệm cho nhiều nước.Trong bối cảnh ấy, Việt Nam như một điểm sáng khi vững vàng chống đại dịch, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế ở trạng thái “bình thường mới.” Tính đến sáng ngày 19/3/2021, cả nước ghi nhận 2.570 trường hợp mắc, trong đó có 1.601 trường hợp lây nhiễm trong nước (62,3%). Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, đã có 2.198 trường hợp được điều trị khỏi (85,5%) và 35 trường hợp tử vong (1,36%).

Ảnh minh họa

Sức mạnh, ý chí và sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Có thể khẳng định, trong hơn một năm qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, được đánh giá cao với mô hình phòng chống dịch hiệu quả chi phí thấp. Chính phủ đã có nhiều chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch. Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng nơi tuyến đầu. Cả nước đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Hình ảnh nữ cán bộ Trạm Y tế xã Văn Tố (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) không may gặp tai nạn giao thông trên đường làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát COVID-19; hình ảnh các chiến sỹ Công an, Bác sỹ, Quân đội… không quản ngại khó khăn vẫn trực chốt trong ngày Tết… Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy họ luôn sẵn sàng gác việc tư để phục vụ việc chung, giúp nhân dân sớm khống chế được dịch bệnh.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập ở cấp quốc gia và các cấp hành chính, kịp thời đề ra và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và phù hợp. Trên quan điểm luôn đi trước một bước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn là “Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm bốn tại chỗ.

Ngành y tế kiên định 5 nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; các Bộ, ngành đã thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch xâm nhập từ bên ngoài; các địa phương quyết liệt phong tỏa các địa điểm có trường hợp mắc và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để khoanh vùng cách ly,… Tổ chức phân loại, thu dung, phân tuyến điều trị từ tuyến cơ sở tới các bệnh viện tuyến cuối; hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án, triển khai thiết lập bệnh viện dã chiến phục vụ chống dịch. Đồng thời, đảm bảo đủ khẩu trang, trang phục bảo hộ và các trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch; đáp ứng nhu cầu thuốc, trang thiết bị cho phòng, chống dịch.

Tính đến ngày 15/3, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR 2.482.302 mẫu tương đương 3.248.873 lượt người được xét nghiệm, trong đó xác định 2.559 người dương tính với SARS-CoV-2. Các đơn vị trong nước đã nghiên cứu, sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử giải trình tự gen của SARS-CoV-2 để xác định đặc tính virus, xác định nguồn gốc để có phương án kiểm soát dịch hiệu quả. Ngoài nguồn vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiếp độ nghiên cứu, phát triển Vaccine trong nước. VaccineNanocovax do Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/02/2021. Vaccine Covivac do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3/2021. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022.

Phát huy vai trò của mình, trên mặt trận thông tin truyền thông, liên tục cập nhật bản tin hằng ngày về COVID-19 trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; nhắn tin tới các thuê bao để khuyến cáo phòng chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, như: tokhaiyte.vn, Bluezone, NCOVI, thực hiện khai báo y tế điện tử…

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các biện pháp phòng, chống dịch được đưa ra triển khai kịp thời, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát các đợt bùng phát của dịch bệnh góp phần làm giảm tác động của dịch đối với việc phát triển kinh tế để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Hoài Nhung

(Còn tiếp)