A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không thể xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua, dân chủ, nhân quyền luôn là một trong những vấn đề được các thế lực thù địch lợi dụng để gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam. Sự chống phá diễn ra cả ở trong và ngoài nước với nhiều bộ mặt. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do dân chủ nhưng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng những quyền này để chống phá, gây mất ổn định.

Âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng nhân quyền để chống phá Việt Nam

Dân chủ, nhân quyền luôn là một trong những vấn đề chiến lược được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hòng đưa nước ta đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Chúng coi đó là một yếu tố quan trọng để tạo sức ép từ bên ngoài, đồng thời kích động các hoạt động chống phá từ bên trong. Trong đó, chúng đã tập trung vào một số hoạt động chủ yếu sau:

Một là, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, ra sức tuyên truyền, cổ súy cho dân chủ tư sản phương Tây

Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; cho rằng chế độ xã hội ở Việt Nam là độc tài, chuyên chính. Chúng lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót của ta trong thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc những vấn đề bức xúc trong nhân dân để lôi kéo, kích động nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất ANCT-TTXH. Chúng ra sức tuyên truyền, cổ vũ, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản, tuyệt đối hóa tính toàn cầu, tính phổ cập của quyền con người với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”, tuyệt đối hóa các giá trị phổ quát về quyền con người theo mô hình của phương Tây; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người; đàn áp “những người bất đồng chính kiến”.v.v..Từ chỗ cho rằng, quyền con người là tuyệt đối, bất biến, các thế lực thù địch đã giải thích nhân quyền là tự do thực hiện quyền mà không bị cấm đoán, không bị giới hạn nhằm cổ xuý hoạt động lợi dụng nhân quyền vi phạm pháp luật nước ta. Các thế lực thù địch còn lợi dụng những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm thổi phồng, bóp méo tình hình thực tế để xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo hòng kích động quần chúng, tín đồ gây rối ANCT-TTXH, tạo cớ để bên ngoài can thiệp.

Hai là, dùng dân chủ, nhân quyền làm điều kiện để gây sức ép, can thiệp vào nội bộ nước ta

Hoa Kỳ và các nước đồng minh luôn gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam; đòi nước ta phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cải cách chính trị, cải cách dân chủ, pháp luật theo kiểu phương Tây. Thông qua các buổi điều trần, họp báo, hội thảo của Quốc hội Mỹ, các nước Châu Âu để gây sức ép buộc Việt Nam phải có những “tiến bộ cụ thể về nhân quyền, tôn giáo”. Thông qua các diễn đàn công khai như hội thảo, hội nghị khoa học, các buổi tiếp xúc, đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu ta phải đưa ra các lộ trình thực hiện các điều ước quốc tế về dân chủ, nhân quyền, thành lập Tòa án Hiến pháp ở nước ta. Họ còn gửi thư, bản kiến nghị tới Liên hiệp quốc, Quốc hội, Chính phủ các nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta để phản đối việc chính quyền bắt giữ, xét xử một số đối tượng chống đối trong nước, đòi trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”. Lợi dụng việc chính quyền đấu tranh, xử lý số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị vi phạm pháp luật, chúng đã tạo cớ, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp người “bất đồng chính kiến” và những người “yêu nước”, kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Các thế lực bên ngoài còn thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các dự án hỗ trợ cải cách tư pháp để tìm cách hướng lái, can thiệp vào quá trình xây dựng, sửa đổi pháp luật của Việt Nam và gây sức ép, đặt điều kiện đòi ta mở rộng các quyền và tự do cơ bản của công dân theo tiêu chí của họ, tạo hành lang hoạt động cho số chống đối chính trị, các tổ chức “xã hội dân sự” trong nước.

 Ba là, dùng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để thúc đẩy, hình thành hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập với Nhà nước

Đây là một trong những hoạt động chủ yếu của các thế lực thù địch nhằm “diễn biến hòa bình” với nước ta. Chúng cho rằng việc tồn tại nhiều đảng phái chính trị lãnh đạo xã hội là tiêu chí duy nhất của dân chủ; đồng thời xuyên tạc rằng, chế độ độc đảng ở Việt Nam là trở ngại lớn nhất trong quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, muốn có dân chủ thực sự thì Việt Nam nên xóa bỏ chế độ độc đảng. Chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận lịch sử dân tộc ta, cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; từng bước làm mất lòng tin cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua đó, chúng tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước” như: “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Nhóm công dân tự do”, “Nhóm tuổi trẻ yêu nước”.v..v..Chúng ra sức tuyên truyền về vai trò của các tổ chức dân sự trong xã hội, qua đó hòng thúc đẩy sự ra đời của các khuynh hướng dân chủ cực đoan, phát triển “xã hội dân sự”, hình thành các tổ chức chính trị, hội nhóm bất hợp pháp. Chúng tìm cách móc nối, lôi kéo một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất, số cấp tiến là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành để mua chuộc, lôi kéo tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng chống phá từ bên trong. Chúng còn tuyên truyền, vận động số người có trình độ thấp, số biểu hiện cơ hội, bất mãn ký tên vào kiến nghị, tuyên bố…nhằm đưa ra yêu sách “dân chủ, nhân quyền”,“bảo vệ chủ quyền”…mục đích là thêu dệt, bóp méo tình hình thực tế ở trong nước, qua đó tập hợp lực lượng hình thành các hội nhóm chống chính quyền, như: Tuyên bố 72 ra “bản kiến nghị sửa đổi” Hiến pháp theo mô hình dân chủ đa nguyên, v..v..Ở bên ngoài, các tổ chức phản động lưu vong ráo riết hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo đường lối đối với số trong nước phục hồi tổ chức, kích động tư tưởng ly khai, tự trị để lừa mị, lôi kéo, tập hợp quần chúng tổ chức biểu tình, bạo loạn; hình thành các hội nhóm, tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước.

Bốn là, tác động Quốc hội Mỹ, EU và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế ban hành văn bản xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

Các thế lực thù địch tác động Quốc hội Mỹ, EU và các nước phương Tây thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên.v..v..với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình trong nước; điển hình như: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc, Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu..v..v..Trong đó, chỉ riêng Hạ viện Mỹ hàng năm đã liên tục thông qua nhiều Dự luật, Nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam như: Dự luật HR 1587 (năm 2004), HR 3096 (năm 2007), HR 1410 (năm 2012), HR 1897 (năm 2013), Nghị quyết H.Res.484.v..v…Các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Nhà Tự do (FH), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI)… mặc dù phải thừa nhận Việt Nam có “chuyển biến tích cực” về dân chủ, nhân quyền nhưng vẫn xuyên tạc tình hình thực tế trong nước, vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền. Ngoài ra, các thế lực bên ngoài còn tác động các chính khách cực đoan trong Quốc hội Mỹ, Anh, Đức…tổ chức các buổi điều trần, hội thảo nhằm xuyên tạc, vu cáo hoặc thổi phồng các sự kiện thực tế trong nước để rêu rao Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, dân tộc hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, chúng còn tìm cách thông qua các chính khách cực đoan như: Z.Lofgren, C.Smith…tác động Quốc hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC) để áp dụng các biện pháp “trừng phạt” đối với nước ta.

Thực tiễn chứng minh mọi âm mưu đều vô nghĩa

Khoản 1 Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Và trên thực tế, kể từ khi thành lập nước đến nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn được quan tâm, chú trọng, lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển. Những thành tựu mọi mặt về nhân quyền Việt Nam đã đạt được không chỉ cho thấy kết quả của nỗ lực này, mà còn trực tiếp khẳng định, chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội.

Thời gian qua, dù phát triển kinh tế không đạt mục tiêu như kế hoạch đặt ra do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai, bão lụt tại các địa phương thì ở Việt Nam, quyền được sống, quyền ăn, mặc, ở, quyền tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, tự do kinh doanh, quyền tự do ứng cử, quyền thể hiện quan điểm xã hội, quyền của mọi tầng lớp, thành phần, người dân vẫn luôn được bảo đảm. Từ một nước nghèo và lạc hậu, phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, bị cấm vận trong nhiều năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã vượt mọi khó khăn và trở ngại, tự lực phát triển để trở thành một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trở thành một nước đang phát triển với 70% dân số có cuộc sống ổn định.

Bên cạnh rất nhiều chương trình, kế hoạch tập trung xây dựng xã hội học tập, phát triển hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, đường sá, lưới điện quốc gia trên cả nước, phát triển văn hóa nghệ thuật,… được Chính phủ triển khai rộng khắp trong nhiều năm, thì thời gian qua, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống người nghèo, người yếu thế, các đối tượng chính sách… càng được tập trung đẩy mạnh. Đây là một chủ trương lớn, một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của phát triển bền vững, là chương trình mang tầm quốc gia, thể hiện tính nhân văn của chế độ xã hội và truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc. Dù ngân sách còn nhiều khó khăn song Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước, liên tục chỉ đạo nhằm thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo, nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, đa chiều và hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự. Các luật này đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân,… trong đó nổi lên là Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng… Các bộ luật này có vai trò quan trọng trong từng lĩnh vực cụ thể của quyền con người. Đó là cơ sở bảo đảm để báo chí Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, phát triển lành mạnh, phát huy tính tích cực xã hội trong sự đa dạng, phong phú, xứng đáng với vai trò kênh truyền tải hiệu quả mọi quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong biểu dương và cổ vũ cái tích cực, lên án và phê phán cái tiêu cực, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trau dồi giá trị chân – thiện – mỹ trong nhân dân, đồng thời đấu tranh ngăn chặn luận điệu sai trái, thù địch… Đó là cơ sở bảo đảm bảo vệ môi trường an ninh trên internet, xây dựng in-tơ-nét trở thành môi trường an toàn, lành mạnh để mọi người Việt Nam giao lưu, học hỏi, trao đổi, tiếp thu tri thức, giải trí,… một cách hữu ích, có trách nhiệm. Đó là cơ sở để các năm qua, mọi người Việt Nam đều được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; công dân – tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”; rất nhiều cơ sở thờ tự, nhà thờ, nhà chùa được xây mới, xây dựng lại; chức sắc, nhà tu hành, người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp đã tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân dân; các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội; các lễ hội tôn giáo đã được tổ chức long trọng, trang nghiêm.

Trong hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Nhưng không như một số nước “tự do” khác đã để dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Nhân dân Việt Nam đã đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành đã “chiến đấu” dũng cảm, kiên cường nhất để chiến thắng đại dịch này. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” – tinh thần này đã và sẽ tiếp tục là phương châm hành động để các cấp, ngành tiếp tục thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện để bảo vệ tính mạng Nhân dân; các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực, hiệu quả để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những người khó khăn nhất trong lúc dịch bệnh – điều đó thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đồng thời chính là minh chứng hùng hồn, bác bỏ mọi lời xuyên tạc, vu cáo của các tổ chức theo dõi nhân quyền đối với Việt Nam. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm bằng mọi biện pháp bảo vệ tính mạng con người trước đại dịch Covid-19, chính là một sự khẳng định rõ ràng về  thành tựu, chủ trương nhất quán, toàn diện và đúng đắn này. Gói an sinh xã hội gần 62.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, 11.500 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp và hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để cứu trợ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả “lũ chồng lũ, bão chồng bão” là nỗ lực rất lớn, kịp thời, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tác động của đại dịch Covid-19 và bão lụt, giúp mọi người được hưởng quyền sống, quyền được chăm sóc y tế, quyền mưu sinh, và tiếp tục làm sáng tỏ tinh thần coi lợi ích nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Không có ý nghĩa nào khác, các thành tựu đó là kết quả từ nỗ lực hành động vì nhân quyền, vì con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam, không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận.

Có thể khẳng định rằng, những thành tựu cơ bản trong bảo đảm và phát triển quyền con người ở Việt Nam nêu trên là kết quả từ chính sách nhất quán luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực và nghĩa vụ quốc tế. Những giọng điệu lạc lõng xuyên tạc, bóp méo phản ánh không đúng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội là nhằm dụng ý xấu hòng phá hoại sự ổn định và kìm hãm sự phát triển của đất nước Việt Nam.Thế nhưng “vải thưa không che nổi mắt thánh”, những ghi nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế và thực tiễn sinh động trên đất nước Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đối với Việt Nam.

Hoài Nhung