A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lật tẩy chiêu trò “không biết không bầu”

Thời gian gần đây, xuất hiện một số luận điệu tuyên truyền, “lời vận động” kêu gọi cử tri không tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Việc phát tán, tuyên truyền các luận điệu này là hành vi vi phạm pháp luật, cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Vớt vát” tình thế bằng chiêu trò vận động “không biết, không bầu

Sau thất bại thảm hại của “phong trào tự ứng cử” và trò chơi ảo “bỏ phiếu onlline”, các nhà dân chủ “có trách nhiệm” trong mạng lưới chống phá Đảng, Nhà nước lại cuống cuồng “vớt vát” tình thế bằng chiêu trò vận động “không biết, không bầu”. Điển hình là vụ việc, cuối tháng 2-2021, một nhân vật “trở cờ” ở Hà Nội, kẻ tuyên bố ứng cử Đại biểu Quốc hội vừa qua và cũng vừa bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu lấy tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, đã viết trên facebook cá nhân về cái gọi là “không biết không bầu”. Ông ta khẳng định, việc các cơ quan trung ương giới thiệu nhân sự bầu đại biểu Quốc hội về các địa phương để ứng cử là một biểu hiện của “Đảng cử, dân bầu”. Thế nên, việc cử tri bầu những người này chỉ là hình thức. Họ không đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri mà chỉ bảo vệ lợi ích cho Đảng, nhằm “đàn áp” nhân dân. Qua những lời ngụy biện trên, nhân vật này đã lợi dụng tính lan tỏa của mạng xã hội, kêu gọi cử tri thực hiện cái gọi là “không biết không bầu” trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 23-5-2021.

Lợi dụng việc các cơ quan chức năng ở Việt Nam đang tiến hành công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, các đối tượng thuộc tổ chức khủng bố “Việt Tân” và số đối tượng cơ hội, chống đối chính trị trong nước đã phát tán nhiều tài liệu kêu gọi, kích động người dân “tẩy chay bầu cử” nhằm phá hoại Cuộc bầu cử ở nước ta. Trong đó, chúng hô hào, kêu gọi, kích động người dân bằng những khẩu hiệu như: “lá phiếu của người dân Việt Nam là vô nghĩa, bởi các “ghế” trong Quốc hội đều đã được Đảng Cộng sản sắp xếp từ trước”; “không biết, không bầu”, “không bầu cho các ứng viên do Đảng giới thiệu”…

Thực chất, mưu đồ của những kẻ khởi xướng phong trào này nhằm đề cao những kẻ cơ hội, chống phá đang “tự ứng cử” trên mạng xã hội, hạ thấp ứng cử viên mà chúng xuyên tạc là “đảng cử”. Nhìn vào quá trình phát sinh phong trào này sẽ thấy rõ âm mưu đen tối của những kẻ khởi xướng. Mặt khác, chúng kích động người dân tự mình tước bỏ quyền công dân thiêng liêng, mưu đồ cổ súy cho tư tưởng dân chủ cực đoan, vô lối, chủ nghĩa dân túy  hòng khiến cho nhiều người lầm tưởng và hiểu sai lệch chế độ chính trị ở Việt Nam.

Không để mắc mưu “không biết, không bầu” của kẻ xấu

Chủ nhật ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, Ngày hội của toàn dân. Hướng về sự kiện trọng đại này, cùng với các cơ quan tổ chức bầu cử, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, công khai, minh bạch, đạt kết quả tốt đẹp.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp (năm 2015) quy định cụ thể về việc công khai thông tin của người ứng cử như sau: “Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở khu vực bỏ phiếu”. Cụ thể hơn là Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là ngày 03 tháng 5 năm 2021 (20 ngày trước ngày bầu cử); đồng thời, các Tổ bầu cử có trách nhiệm niêm yết ngay Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở khu vực bỏ phiếu mà mình phụ trách kèm theo tiểu sử tóm tắt của từng người để cử tri nắm được thông tin. Thông qua đó, mỗi cử tri đều có thể kiểm tra, đánh giá để lựa chọn người đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, như: Công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch COVID -19; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt. Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử.

Thực tiễn cho thấy, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp luôn là ngày hội của toàn dân, toàn Đảng và toàn quân ta. Để chuẩn bị cho ngày hội lớn diễn ra vào tháng 5 tới, ngay từ giữa năm trước (ngày 20-6-2020), Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở Việt Nam là dân chủ, công bằng xét ở toàn bộ hệ thống bầu cử, ứng cử đặt trong bối cảnh đặc thù về lịch sử, văn hóa chính trị của Việt Nam và xu thế tiến bộ của nhân loại. Hệ thống pháp luật về bầu cử của Việt Nam ra đời từ khi ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay đều có quy định cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bảo đảm số lượng đại biểu của mỗi địa phương tỷ lệ với số cử tri của địa phương đó. Các cử tri được bầu cử trực tiếp các đại diện của mình ở các cơ quan dân cử từ cấp cơ sở đến Quốc hội.

Vận động cử tri không đi bầu cử là hành vi vi phạm pháp luật

Ở Việt Nam, quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân được quy định rõ tại các Điều 27, 28, 29 Hiến pháp 2013. Điều 27 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện quyền này do luật định”. Điều 28 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (Khoản 1); đồng thời nêu rõ “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Khoản 2)… Đồng thời, Hiến pháp quy định công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29), thể hiện tầm quan trọng của quyền biểu quyết nói riêng và quyền của người dân được bày tỏ chính kiến, tham gia đóng góp ý kiến đối với Nhà nước. Các quy định trên của Hiến pháp đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm cho công dân được thực sự tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.

Ngoài Hiến pháp 2013, quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội còn được quy định tại nhiều văn bản luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra… và các văn bản khác có liên quan. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 25-6-2015 đã tạo khung pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử của công dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước vào ngày 23-5-2021. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Qua đó đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc kêu gọi cử tri không đi bầu cử bằng chiêu trò “không biết, không bầu” là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể:

Điều 95, Chương X, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định: “Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Điều 160, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm nói trên:

“Điều 160. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mỗi người dân cần nhận thức sâu sắc cuộc bầu cử là ngày hội lớn để bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội và các cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thể hiện bản chất chế độ, tính dân chủ, nhân dân sâu sắc của Nhà nước pháp quyền XHCN. Quy định bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp về quy trình, nguyên tắc tổ chức, ứng cử, tự ứng cử, quyền lợi, nghĩa vụ công dân… đã được pháp luật quy định một cách chặt chẽ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; được thực hiện một cách cẩn trọng, chắc chắn, bài bản, dân chủ, khách quan.

Những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội nêu ra là xuyên tạc, bịa đặt với phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhằm hạ thấp vai trò, ý nghĩa của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, gieo rắc nhận thức lệch lạc, sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử ở Việt Nam là “hình thức”, “ngụy dân chủ”; xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền, hình ảnh méo mó về thể chế chính trị, đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày hội trọng đại của đất nước. Cử tri trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ dùng lá phiếu để lựa chọn những người ưu tú về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, đại diện xứng đáng cho mình trong các cơ quan dân cử. Lúc này, mỗi cử tri cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình, nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan để có sự lựa chọn sáng suốt. Đó cũng là cách để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, phát huy quyền làm chủ của mình trong xây dựng bộ máy cơ quan công quyền để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Hoài Nhung