A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Trong những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt. Trong đó, tấn công trên mặt trận văn hóa, tư tưởng được chúng coi là “mũi đột phá” hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn tư tưởng, dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó từng bước chuyển hóa, tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng diễn ra ngày càng quyết liệt, nóng bỏng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thời gian vừa qua liên tục xuất hiện tình trạng một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội, nhất là facebook những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức… dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Với đặc tính lan tỏa nhanh, mạng xã hội đang là phương tiện nguy hiểm nhất, có phạm vi tác động nhanh nhất, vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý và các nỗ lực ngăn chặn để phổ biến nhanh, gây tác hại trên diện rộng hơn bất cứ hình thức chống phá nào. Trước thực trạng trên cần nhận diện rõ thông tin xấu, độc, từ đó đẩy lùi tác động của nó đối với nhận thức của mỗi người.

Phương thức, thủ đoạn chống phá

Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên Internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi rút… Thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị như chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam hòng phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ nhận thành tựu, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước…; xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Thông tin kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tổ chức các hoạt động bạo lực phá hoại dưới cái mác “ôn hòa”, “bất bạo động”; truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức, nhất là đối với chủ nghĩa cộng sản và Đảng Cộng sản; phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây, nhất là về văn hóa chính trị. Ngoài ra, về mặt pháp luật, việc nhận diện thông tin xấu, độc đã được thể hiện tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và trong Luật An ninh mạng.

Về thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt.

Một là, sử dụng không gian mạng để chống phá trực diện, thông qua các trang web, blog, các trang mạng xã hội facebook, youtube…, diễn đàn, báo điện tử khuếch trương thanh thế, cổ súy “giá trị” văn hóa phương Tây. Tạo lập các trang blog để thu hút lượng truy cập, như “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Biển Đông’’, “Ba Sàm”, “Chân dung quyền lực”, “Tạp chí sự thật”, “Lỗi hệ thống”… để tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp dư luận xã hội.

Hai là, lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, các website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội…; qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm từ đó kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình.

Ba là, sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn. Các thế lực thù địch tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình và có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng sử dụng hàng loạt tài khoản đã được xây dựng trước, lấy 2-3 tài khoản làm trung tâm thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một chủ đề, lĩnh vực nhất định và hàng trăm tài khoản vệ tinh thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trên các nhóm, diễn đàn phản động hoặc các nhóm có số lượng thành viên lớn.

Một trong những biểu hiện mới của thủ đoạn này là kêu gọi “Biểu tình ảo trên không gian mạng” bằng cách huy động, kêu gọi tất cả các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối “Dự thảo Luật Đặc khu”, “Luật An ninh mạng” tạo ra hiệu ứng đám đông, trong đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Bốn là, sử dụng các biện pháp công nghệ chống lại lực lượng an ninh mạng của ta. Các thế lực thù địch triệt để tận dụng các ứng dụng WhatApp, FireChat và các biện pháp công nghệ được hỗ trợ từ nước ngoài để vượt tường lửa. Lợi dụng chức năng của mạng xã hội facebook, youtube tường thuật trực tiếp sự việc; chuẩn bị lực lượng tiếp nhận video, biên tập ngay đề phòng bị lực lượng an ninh thu giữ máy quay trong lúc biểu tình.

Năm là, sử dụng thơ ca làm công cụ tuyên truyền, chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Các đối tượng phản động là nhà văn, nhà báo, ca sĩ… thường chuyển hóa các bài viết có sẵn thành thể thơ hoặc bài hát phát trên các kênh âm nhạc trực tuyến; đặt máy chủ ở nước ngoài để vượt qua các cơ chế kiểm duyệt bài viết của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chẳng hạn như các bài hát xuyên tạc của đối tượng Bùi Thanh Hiếu và Mai Ngô được đăng tải và tuyên truyền trên Youtube, Spotify thu hút nhiều lượt quan tâm. Đặc biệt, các thế lực phản động đã kêu gọi tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm giọng hát đấu tranh” nhằm phát động phong trào sáng tác âm nhạc chống phá, xuyên tạc tình hình trong nước. Kết hợp việc tạo lập các trang facebook, youtube (thu hút hơn 200.000 lượt xem và gần 1.000 người đăng ký theo dõi) để tuyên truyền, phát tán và đăng tải các bài hát chống phá với giai điệu hiện đại, theo phong cách thị trường, điều này cho thấy các đối tượng phản động đang hướng mạnh mục tiêu vào giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

Facebook là môi trường “lây lan” thông tin xấu, độc nhanh nhất. Trong đó, thông tin xấu, độc phổ biến nhất là lợi dụng các thông tin tiêu cực, chống tiêu cực được báo chí trong nước đưa trên mạng để thêm thắt, xuyên tạc nhằm bôi nhọ cá nhân, chống phá Nhà nước Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng… Nguy hiểm và tinh vi hơn, gần đây, nhiều trang Facebook phản động đang giả dạng là những trang tin “tử tế” để tiếp cận người dùng, tăng số lượng người đăng ký theo dõi thường xuyên. Các trang này thường đưa những nội dung “câu view” nhằm “đánh lạc hướng” rồi đan cài những nội dung phục vụ ý đồ xấu của chúng. Người dùng phải thật hiểu biết mới phân biệt được thông tin xấu, độc này (1). Trong khi thông tin xấu, độc ngày càng nhiều và tinh vi, khó nhận biết thì không ít cán bộ, đảng viên lại chủ quan, mất cảnh giác dễ bị rơi vào “bẫy” của những kẻ cơ hội, phản động. Trên facebook của một số cán bộ, đảng viên cũng đã có hiện tượng viết, chia sẻ những thông tin xấu, độc.

Ảnh: Trang Facebook mang tên “Nhật ký yêu nước” thường xuyên đưa những thông tin sai sự thật với mục đích chống phá chính quyền.

Xu hướng tán phát thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội trong thời gian tới sẽ tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau: Dựa trên những vấn đề phức tạp mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là sự gia tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng Internet, mạng xã hội, diễn biến theo chiều hướng phức tạp trong khu vực và Biển Đông, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, lợi dụng những biểu hiện mới xuất hiện trên thế giới như khuynh hướng chống toàn cầu hóa để xuyên tạc, cản trở đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, kích động, cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan phát triển. Cổ vũ xây dựng “Xã hội dân sự” ở Việt Nam, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền và hàng loạt vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các nghị quyết mới của Trung ương để chống phá. Hướng nội dung tác động đến các đối tượng như công nhân trong vấn đề cho phép hình thành tổ chức công đoàn độc lập; nông dân trong việc triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cánh đồng mẫu lớn; văn nghệ sĩ, trí thức trong việc hình thành các hội nhóm đối lập núp dưới danh nghĩa phản biện xã hội… Các đối tượng chống phá còn tập trung lựa chọn những nhân tố “điển hình”, “sám hối”, “trở cờ”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ làm “ngọn cờ” trên địa bàn để tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong, xem đây là nguồn tán phát trực tiếp thông tin xấu, độc.

Cần nâng cao cảnh giác

Để nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Tăng cường quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trong đó cần chú ý quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 34/CT-TW, ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”…

Hai là, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong tuyên truyền đấu tranh, phải thực hiện nhất quán chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, lấy “xây” để “chống”. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng dư luận, kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc khác, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Ba là, nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng. Khi tham gia mạng xã hội, mọi cán bộ, đảng viên cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ thông tin, trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét… không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực… Chỉ có như vậy, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Ðảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình. Cán bộ, đảng viên có quyền tham gia mạng xã hội nhưng phải luôn nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là những công dân gương mẫu.

Mạng xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam”. Do đó phải nhìn nhận đúng đắn cả mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần vào công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

(1) Chủ động giải pháp với thông tin xấu độc, Báo Hà Nội mới.

Hoài Anh