Phát huy vai trò của đội ngũ KOLs, quản trị viên hội, nhóm trang mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,thù địch là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp bách trong tình hình hiện nay. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Do đó, trong mỗi thời kỳ cách mạng, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện tại, tình hình các loại tội phạm mạng, tội phạm lợi dụng không gian mạng đang phát triển mạnh về cả loại hình, số lượng vụ việc và hậu quả để lại, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Không nằm ngoài dòng chảy đó, các thế lực thù địch cũng triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet, mạng xã hội để truyền bá quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi đối tượng với một thiết bị di động thông minh là đã có thể trở thành một “tòa soạn báo” hoặc một “đài truyền hình di động” trên mạng xã hội. Hoạt động này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân, dẫn đến tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thông qua việc tạo lập, sử dụng các trang mạng, chủ yếu là mạng xã hội để phát tán thông tin xấu, độc, tung tin bịa đặt, cắt ghép, pha trộn tin thật giả, đánh tráo khái niệm; sử dụng tên, hình ảnh của các mục tiêu, cơ quan Đảng, Nhà nước, hội nhóm theo các sự kiện, vấn đề phức tạp hoặc các đồng chí lãnh đạo cấp cao, lực lượng vũ trang, đăng tin “giật tít, câu like”, lan truyền thông tin xấu, độc, sai sự thật, lừa đảo. Bên cạnh đó, các đối tượng triệt để sử dụng các công cụ, phần mềm chat có tính bảo mật cao (như Telegram, Zalo, Viber, Zoom...) để liên lạc, thảo luận, lên kế hoạch chống phá; sử dụng các mạng xã hội có sự phát triển nhanh như TikTok, Instagram, facebook,... để tuyên truyền chống phá, tác động trực tiếp tới giới trẻ - những đối tượng chưa được trang bị đầy đủ về tư tưởng chính trị.
Nổi bật hơn cả trong thời gian gần đây, là sự gia tăng các hoạt động phức tạp, liên quan an ninh quốc gia của các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng (KOLs), các văn nghệ sỹ, trí thức, nhà báo, luật sư, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí từng giữ các cương vị lãnh đạo, quân nhân. Đáng chú ý, là việc xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng trong nước, đối tượng trẻ tuổi, “a dua, a tòng”, cổ xúy, chia sẻ, ủng hộ các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, nhất là tình trạng tán phát, chia sẻ tin giả, sai sự thật găn với ý đồ xuyên tạc, kích động chống phá; tác động đến tâm lý, nhận thức, tiềm ẩn nguy cơ gây hoang mang trong dư luận, nhiễu loạn thông tin, dần hình thành tư tưởng chống đối trong một bộ phận người dân với Đảng, Nhà nước và chính quyên các cấp.
Bối cảnh mới đặt ra nhiều thách thức mới, đặc biệt là trong giai đoạn các thế lực thù địch, phản động dần chuyển hướng hoạt động trên mạng xã hội, một mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng, là công cụ hàng đầu để các đối tượng lợi dụng chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Chính vì vậy, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cần có sự chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của đội ngũ KOLs, quản trị viên hội, nhóm trang mạng xã hội.
KOLs (từ viết tắt của Key Opinion Leaders) dùng để chỉ người có ảnh hưởng trên không gian mạng, có khả năng tác động, định hướng dẫn dắt dư luận xã hội. Các KOLs đã phủ sóng hầu hết trên mọi lĩnh vực như giáo dục, khoa học, y tế, khởi nghiệp, ẩm thực, thời trang… Họ sở hữu, quản lý, chi phối, sử dụng hệ thống các tài khoản trực tuyến và có số lượng người theo dõi, tương tác lớn; có khả năng lan tỏa thông tin với tốc độ nhanh chóng. Quản trị viên hội, nhóm là một người hoặc một nhóm người đảm nhận công việc quản lý, điều phối, theo dõi, sắp xếp hoạt động trong hội, nhóm để các trang mạng xã hội này được vận hành một cách hiệu quả, nhịp nhàng nhất. Sự ảnh hưởng của KOLs và quản trị viên hội, nhóm chính là sự tác động đến cộng đồng bằng những nội dung được đăng tải lên trên trang thông tin hay trang mạng xã hội mà họ sở hữu.
Thời gian qua, tại địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận sự gia tăng hoạt động của các KOLs, hội, nhóm, trang mạng xã hội được lập ra vì nhiều mục đích đa dạng như cung cấp, trao đổi thông tin, hình ảnh, kinh doanh online, quảng bá du lịch… Thông qua việc sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các KOLs, quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội đã góp phần định hướng dư luận, chủ động phản bác những thông tin sai sự thật, thông tin gây hoang mang dư luận, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân trước những âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, những phương thức lừa đảo của tội phạm, đồng thời đây cũng là “nguồn tin” để lực lượng Công an giải quyết các vụ án, vụ việc góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Điển hình như trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, các KOLs, quản trị viên hội, nhóm, trang mạng xã hội đã phát huy tinh thần vì cộng đồng, tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong chống dịch, tương trợ nhau trong khó khăn; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng.
Hay như trong các dịp Lễ hay thời gian diễn ra các sự kiện Chính trị quan trọng của địa phương, các KOLs, quản trị viên hội, nhóm, trang mạng xã hội cũng phát huy vai trò của bản thân trong hoạt động thông tin, tuyên truyền. Bằng những hoạt động đơn giản nhưng thiết thực như: đồng loạt đổi ảnh đại diện, ảnh bìa có hình cờ đỏ sao vàng và hashtag như #ngayQuocKhanh, #QuocKhanh2Thang9, #ToiyeuToquoctoi, #TuHaoVietNam để cùng nhau tôn vinh ngày Tết Độc lập, tạo ra bầu không khí yêu nước tràn ngập các nền tảng trực tuyến; phối hợp đăng tải thông tin tuyên truyển về các sự kiện,…
KOLs đồng loạt thay đổi ảnh đại diện hưởng ứng Quốc khánh 2/9
Tuy nhiên, do tính linh hoạt trong hoạt động, cơ chế kết nạp thành viên đa dạng về thành phần, những hội nhóm này có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng triển khai ý đồ, hoạt động và tạo thành hiệu ứng lan tỏa diện rộng. Thực tế này làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trên không gian mạng; nhiều trường hợp đăng tải những thông tin sai sự thật đã bị xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ.
Trước tình hình trên, các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã đẩy mạnh việc thiết lập các trang fanpage, Zalo Official” cung cấp cho hàng nghìn người theo dõi những bài viết, thông tin chính thống, bổ ích. 100% Công an các huyện, thành phố đều có fanpage, thường xuyên đăng tải thông tin tuyên truyền pháp luật cũng như chia sẻ những việc làm, hình ảnh đẹp tại địa phương. Nhiều bài viết ngắn gọn, trình bày hấp dẫn, thu hút được hàng chục bình luận, chia sẻ chỉ sau vài phút đăng tải. Nhiều vấn đề sau khi đăng tải đã tạo ra cuộc tranh luận khá sôi mổi trên tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng xã hội. Các trang của lực lượng Công an cũng thường xuyên đăng các câu chuyện vụ án, những thủ đoạn của của tội phạm hình sự, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, thu hút đông đảo người xem và tạo ra hiệu ứng tốt. Thông qua Fanpage và các nhóm zalo do lực lượng Công an quản lý xây dựng, người dân còn dễ dàng, thuận lợi trong việc phản ánh tình hình an ninh trật tự, cung cấp thông tin cho lực lượng cho lực lượng Công an.
Song song với đó, Công an tỉnh cũng chú trọng công tác tổ chức tiếp xúc, vận động đối với KOLs, quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và cung cấp cho quản trị viên những quy định của Luật An ninh mạng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an ninh mạng khi hoạt động trên mạng xã hội, những thủ đoạn, tính chất nguy hại xấu độc đối với xã hội; hướng dẫn không đăng tải, chia sẻ trên các trang, hội, nhóm những thông tin chưa được kiểm chứng, gây ảnh hưởng an ninh trật tự.
Đặc biệt, để bảo đảm KOLs, hội, nhóm, trang mạng xã hội hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật, góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh chính trị tại địa phương, không để các trang mạng xã hội trên địa bàn tỉnh hoạt động riêng lẻ, thiếu tính định hướng, thông tin tuyên truyền thiếu chính xác, không tập trung theo chủ đề, sự kiện, năm 2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng mô hình “Không gian mạng an toàn - Bình yên cho mỗi gia đình”. Mô hình không chỉ có sự tham gia của các quản trị viên trang mạng xã hội tại các cơ quan, đơn vị mà các quản trị viên ngoài xã hội, nhiều thành phần nghề nghiệp. Công an tỉnh Kon Tum đã thiết lập 01 kênh Zalo là diễn đàn trao đổi thông tin phối hợp, phản ánh giữa KOLs, Quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội trên địa bàn tỉnh và cơ quan Công an. Tại đây, các quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong sử dụng mạng xã hội và phối hợp công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần xây dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh, cụ thể: thường xuyên trao đổi, cung cấp những đóng góp thiết thực của các trang, hội nhóm Facebook trong việc lan tỏa tinh thần giữ gìn TTATXH, quảng bá hình ảnh đẹp tại địa phương…; kịp thời phản ánh tình trạng các hình thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo; phối hợp trong xác minh, xử lý các hoạt động đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật,… những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động về sự kiểm duyệt nội dung thông tin đăng tải cần chặt chẽ và có chọn lọc,... những kinh nghiệm trong bảo mật tài khoản cá nhân và quản trị hội, nhóm, trang mạng xã hội,…
Thời gian tới, để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra trong việc phát huy vai trò của đội ngũ KOLs, quản trị viên hội, nhóm trang mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm, chú trọng một số vấn đề như sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin. Nội dung tuyên truyền tập trung làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của KOLs, QTV các hội, nhóm; phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng các nền tảng trên không gian mạng xây dựng nội dung vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự; đối tượng tuyên truyền là người dân, trong đó tập trung chủ yếu vào thanh niên, học sinh, sinh viên là những đối tượng chính tương tác với KOLs trên không gian mạng thông qua các trang mạng xã hội, bản tin truyền hình, các buổi tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm trang bị những kiến thức về an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nội dung xấu, độc, có ứng xử đúng đắn trên không gian mạng.
Hai là, vận động, tranh thủ các KOL, Quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội: Chấp hành các quy định của Luật An ninh mạng; tiếp tục phát huy vai trò ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng; có trách nhiệm trong hoạt động phát ngôn, không đăng tải thông tin sai sự thật, thu hút tài khoản mạng của phần tử xấu, tuyên truyền, kích động gây ảnh hưởng đến ANTT. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý thành viên, kiểm soát thông tin đăng tải, chia sẻ để góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, lành mạnh. Kịp thời trao đổi thông tin liên quan các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đến cơ quan công an.
Bên cạnh đó, các KOL và quản trị viên cũng cần xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ không của riêng ai, phải phát huy hơn nữa tinh thần tích cực trong việc kịp thời cảnh báo, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng. Đồng thời, huy động, cộng hưởng sức mạnh của đông đảo thành viên hội, nhóm, trang mạng xã hội tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, đấu tranh với các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và các hoạt động xâm phạm trật tự, an toàn xã hội. Để làm được điều đó, đội ngũ KOLs và quản trị viên phải thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật; cập nhật tình hình tội phạm và các phương thức, thủ đoạn lợi dụng hội, nhóm để đăng tải thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; đồng thời nâng cao kỹ năng kiểm duyệt tin, bài cũng như khả năng tiếp cận các thông tin chính thống trên không gian mạng, để xây dựng mạng xã hội trở thành kênh thông tin tuyên truyền tin cậy kết nối đến người dân, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Trong đó, chú trọng việc nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong mỗi bài đăng, phát ngôn trên mạng xã hội, không đăng tải thông tin sai sự thật, thu hút tài khoản mạng của phần tử xấu, tuyên truyền, kích động gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.