A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin giả – dạng thức thông tin xấu độc nguy hiểm trên mạng xã hội

Là một dạng thức tồn tại của thông tin xấu độc, tin giả trên mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống chính trị xã hội. Hiểu rõ những hệ lụy của tin giả với cộng đồng mạng để chủ động phòng chống, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Nhận diện tin giả trên mạng xã hội

Tin giả (fake news) là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung và được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Theo định nghĩa có thể phân loại tin giả gồm: Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.

Với loại tin tức giả thứ nhất, trước mỗi kỳ đại hội Đảng bộ các cấp, và Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động triệt để lợi dụng mạng xã hội để tăng cường tung thông tin giả, tin đồn thất thiệt nhằm tác động vào tư tưởng, tâm lý, tình cảm của quần chúng nhân dân.

Trên Internet, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội đưa các tin, bài viết với nội dung sai lệch, xuyên tạc, đặc biệt là xuyên tạc về công tác chuẩn bị đại hội. Chúng ra sức bịa đặt về những hạn chế, yếu kém của Đảng và Nhà nước ta nhằm phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới. Chúng cố tình dựng chuyện, quy chụp rằng việc chuẩn bị đại hội như là hoạt động thay cho đại hội, là “xóa bỏ quyền của các đại biểu dự đại hội”; rằng việc thực hiện công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ cốt cán cho Đại hội XIII là Ban Chấp hành Trung ương đã tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử của các đại biểu dự Đại hội XIII”… Chúng tung các bài viết xuyên tạc với nội dung như “các phe cánh trong Đảng đang thanh trừng lẫn nhau”, “trong Đảng không có dân chủ nên cần phải đa đảng”, xuyên tạc, bịa đặt về đời tư cá nhân, bôi nhọ thanh danh, uy tín của những cá nhân trong diện “quy hoạch nhân sự”. Cùng với đó, chúng còn sử dụng chiêu trò cũ đưa ra những “dẫn chứng” liên quan đến một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật và việc xử lý của chúng ta trong thời gian gần đây, để “phán” rằng đó là “thanh trừng nội bộ”, “phe nhóm chống đối nhau” trong các tổ chức đảng, trong Ban Chấp hành Trung ương…

Xét loại tin tức giả thứ hai, là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết chúng không kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.

Ngày 27/7/2020, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết với nội dung: “Thế là đoàn Đà Nẵng đã yên ổn, nữa đêm bỏ khách sạn 4 sao đưa đoàn tẩu thoát khỏi Đà Nẵng 1 cách an toàn. Và khách đang ở Huế. Cầu mong Cô vi đừng theo đoàn con ra Huế mộng mơ” do tài khoản facebook cá nhân “Phương Sentourist” đăng tải. Sự thật đây là chương trình của đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng tham quan một số địa điểm, sau đó đi Hội An và di chuyển ra Huế trong đêm 26/7, khi đến khách sạn tất cả các thành viên của đoàn đều được đo thân nhiệt và làm tờ khai y tế đầy đủ, không có thành viên nào có dấu hiệu bất thường về sức khỏe và tham quan du lịch tại Huế bình thường. Chỉ vì mục đích quảng bá cho công ty du lịch, mà ông Võ Hồng Phương, chủ tài khoản facebook “Phương Sentourist” đã dùng công việc của bản thân để dựng lên một câu chuyện khác nhằm thu hút công chúng. Tuy nhiên thông tin trên đã gây bức xúc và lo lắng cho nhiều người dân trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh thành khác.

Những hệ lụy của tin giả đến cộng đồng mạng

Thực tế cho thấy, mức độ ảnh hưởng tạo làn sóng đáng nghi, sai lệch và có tính chất lôi kéo dư luận của tin giả là không hề nhỏ. Cùng với tính năng lan tỏa của mạng xã hội, tin giả được phát tán rất nhanh so với khả năng ngăn chặn và xử lý chúng. Chỉ cần sở hữu một thiết bị điện tử, người ta có thể dễ dàng tạo lập một website, một trang blog hay tài khoản hoặc fanpage trên các mạng xã hội với chi phí gần như bằng không. Đây chính là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát tán tin tức giả. Do vậy, lực lượng tạo ra và phát tán tin tức giả có thể là bất cứ thành phần nào trong xã hội dù là cố tình hay vô ý.

Mạng xã hội là môi trường phát tán nhiều tin giả nhất hiện nay, tác động lớn đến tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng. Công chúng dễ bị thu hút, quan tâm và chia sẻ những tin tức giật gân hay một vấn đề nóng nào đó. Một thực trạng hiện nay cho thấy người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin thường không cẩn trọng phán xét đúng đắn trước những tiêu đề, nội dung câu chuyện được chia sẻ, không kiểm chứng thông tin trước khi bình luận hay chia sẻ. Thậm chí, có người dùng chỉ đọc tiêu đề một tin tức nào đó được chia sẻ mà không cần xem nội dung cụ thể. Điển hình là trong thời gian gần đây, tại địa bàn tỉnh Kon Tum lan truyền trên mạng xã hội dòng trạng thái có nội dung “Đăk Hà có 1 ca dương tính với Covid-19 rồi. Toang”. Lý do khởi phát là do xuất hiện một trường hợp F1 tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính Covid-19 tại Đà Nẵng. Dù chưa biết tính chính xác của thông tin, các tài khoản facebook đã “share” bài viết một cách vô tội vạ. Hành động này cũng phần nào phản ánh tâm lý người dùng muốn thông báo, chia sẻ những thông tin mới nhất, nóng nhất trên trang cá nhân của mình cho bạn bè, người thân. Đây cũng chính là một nhân tố làm góp phần gia tăng tốc độ phát tán tin tức giả trên mạng xã hội. Trong nhiều trường hợp, các cá nhân là nạn nhân trong các vụ thông tin sai sự thật có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực khác.

Ảnh minh họa

Ngoài tạo ra các tin tức sai sự thật, còn một hình thức tin giả khác được các đối tượng sử dụng đó là mạo danh các cá nhân và tổ chức để đạt được mục đích cá nhân hoặc mục đích về kinh tế, chính trị… Từ cuối năm 2019 đến nay, đã phát hiện hàng trăm trang tin giả mạo Cổng Thông tin điện tử, Trang thông tin của các cơ quan, ban, ngành từ cấp trung ương đến địa phương. Ở Việt Nam, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng bị mạo danh đặt tên là các trang tin tổng hợp hay các tài khoản, fanpage trên mạng xã hội. Trên trang giả mạo đó, đối tượng xấu đưa thông tin chính thống, đồng thời đưa cả thông tin do chính các đối tượng này tạo ra không đúng sự thật, từ đó kết nối bạn bè, bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ thông tin. Để tăng tính “chân thật”, các đối tượng xấu còn lồng ghép các video đã phát trên các bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam, các đài truyền hình địa phương nhưng chủ yếu là tin tức mặt trái của xã hội với dụng ý xấu hay dùng công nghệ photoshop để ghép ảnh người này với người kia, cắt ghép ảnh chụp những ngôi biệt thự, những siêu xe sang trọng và lấy đó làm “chứng cứ” quy chụp bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Với tính chất ngụy tạo trên, tin giả làm cho quần chúng nhân dân giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất mà tin giả gây ra.

Nâng cao khả năng “miễn dịch” với tin giả trên mạng xã hội

Thứ nhất, nâng cao trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trước tác động tiêu cực của những thông tin giả trên mạng xã hội. Giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhận diện, phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin độc hại. Qua đó, giúp người dân thực sự bình tĩnh, tự mình có thể tự thẩm định, đánh giá thông tin, tin theo những thông tin chính thống được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của Đảng, Nhà nước và các địa phương.

Thứ hai, chủ động, kịp thời đưa những thông tin chính thống, làm cho cán bộ, đảng viên và mọi người dân có cơ sở phân biệt và nhận rõ những thông tin giả, tin đồn thất thiệt, ngăn chặn tác động tiêu cực của nó. Xây dựng cơ chế thông tin dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại. Thông tin càng cởi mở, việc kết nối thông tin trong xã hội tới mọi người dân luôn thông suốt, chúng ta càng có điều kiện để phòng, chống tin giả, tin xấu độc, bảo đảm thông tin chính thống giữ vững vai trò làm chủ, định hướng dư luận.

Thứ ba, kịp thời đấu tranh, kiên quyết phê phán, phản bác mạnh mẽ bài viết có nội dung tin giả, tin đồn thất thiệt, thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật trên không gian mạng. Nghiêm khắc xử lý mọi hành vi lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để phát tán tài liệu vu cáo, vu khống Ðảng và Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý nội bộ, kịp thời đấu tranh và xử lý đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những phần tử cơ hội và bất mãn chính trị đưa ra thông tin giả, tin đồn thất thiệt tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội.

Thứ tư, phát huy tính hiệu quả và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí truyền thông xử lý đối với các các cá nhân, tổ chức đưa thông tin giả lên không gian mạng. Đồng thời, tạo tính răn đe góp phần nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của người dùng mạng khi đăng tải, tiếp nhận, lan truyền thông tin.

Thứ năm, là người dùng mạng xã hội, khi tiếp nhận thông tin phải biết thẩm định, đánh giá thông tin. Cần xác định thông tin trong bài viết mới xảy ra hay đã cũ, video và hình ảnh trong bài viết đã được kiểm chứng chưa. Nếu nghi ngờ về tính xác thực của thông tin, hãy thử tìm kiếm từ khóa về sự kiện được nêu trong bài viết trên Google Search xem thời điểm chính xác thông tin đó được đăng. Những thông tin chính thống, đúng sự thật thường chứa đường dẫn tới các nguồn tin đáng tin cậy, hiển thị thời gian cụ thể. Những thông tin khác có thể là giả mạo, sai sự thật. Mỗi cư dân mạng phải thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội.

Hoài Anh


Tin liên quan