Văn hóa tâm linh và những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Kon Tum là tỉnh có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo hoạt động, có một không gian đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp về tín ngưỡng, đời sống tâm linh. Trong đời sống xã hội hiện nay, văn hóa tâm linh được coi là hiện tượng phổ biến trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh những mặt tích cực do đời sống tâm linh đem lại thì những ảnh hưởng tiêu cực, những hoạt động phức tạp liên quan đến đời sống tâm linh cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết đặc biệt là hiện tượng mê tín, dị đoan trong đời sống tâm linh.
Sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, sát cánh cùng nhân dân cả nước trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào DTTS. Tại tỉnh Kon Tum, đồng bào các dân tộc phần đông có tín ngưỡng đa thần, đặc điểm xã hội cơ bản trong cộng đồng người dân tộc Kon Tum là thiết chế “Làng”- một cộng đồng, một tổ chức xã hội nhỏ nhất và cũng là duy nhất của dân tộc. Mặc dù đã trải qua quá trình lịch sử đầy biến động các loại hình tổ chức hành chính khác nhau, nhưng đến nay, diện mạo làng cổ truyền vẫn duy trì đậm nét và ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm linh ucar nhân dân. Đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân trên địa bàn có nội dung, nghi thức khá phong phú. Nghi thức văn hóa tâm linh của nhân dân trên địa bàn thường là cúng bái, giỗ chạp, thờ “Giàng”, thể hiện trong văn hoá nghệ thuật cổ truyền của từng dân tộc, trong từng kiến trúc, từng nghi lễ, hội hè và phong tục tập quán… Văn hóa tâm linh trên địa bàn luôn hướng con người sống khoan dung, hướng thiện, sống tốt đời đẹp đạo, “Ở hiền gặp lành”, làm việc ác sẽ gặp “quả báo’. Đây chính là những nét đẹp những mặt tích cực của văn hóa tâm linh.
Sinh hoạt thờ cúng của người dân
Tuy nhiên, trong đời sống tâm linh của nhân dân trên địa bàn thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến mê tín dị đoan; lợi dụng đời sống tâm linh để tuyên truyền những hoạt động tâm linh mang nặng tính mê muội, lạc hậu đi ngược với sự văn minh, tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của đời sống tín ngưỡng. Một số nơi, mê tín dị đoan ăn sâu vào đời sống tâm linh, tác động lớn đến đời sống của nhân dân theo hướng người ta sống như thế nào không quan trọng, chỉ cần cầu khẩn với “lễ cao”, “mâm đầy”, đặt nhiều tiền bạc thì người ta có thể “cầu gì được nấy”; làm điều ác có thể hóa giải bằng lễ “dâng sao giải hạn”, không sợ “quả báo”, “thỉnh vong oan gia trái chủ” chữa bệnh cho người dân… Đáng chú ý một số đối tượng lợi dụng đặc điểm, văn hóa tâm linh của nhân dân trên địa bàn để thực hiện các hoạt động mang đậm màu sắc mê tín, dị đoan nhằm trục lợi, gây mất an ninh trật tư, như: Bói toán, đồng bóng, gọi hồn, cúng ma, gọi vong, phán số kiếp, thỉnh oan gia trái chủ… Không ít người tin rằng có thánh thần, ma quỷ và các lực lượng siêu nhiên có khả năng sắp đặt, điều chỉnh đời sống con người nên họ không không lo rèn luyện phấn đấu, tính toán làm ăn mà chỉ lo mời thầy cúng; nhiều người bệnh không tới bệnh viện điều trị mà chỉ lo mời thầy mo, thầy cúng. Không ít phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, lễ hội tốt đẹp của cộng đồng bị lạm dụng, xuyên tạc, đan cài thêm những yếu tố mê tín, dị đoan, nhưng trò nhảm nhí, phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; nhiều lễ hội, hình thức tín ngưỡng, tôn giáo chân chính bị biến tướng không còn ý nghĩa như xưa, trở thành nơi buôn thần, bán thánh; cũng do mê tín dị đoan mà trong xã hội xuất hiện nhiều tà đạo, những hiện tượng tôn giáo lạ hoạt động trái pháp luật.
Những vấn đề trên tác động tiêu cực không nhỏ đến sời sống văn hóa-xã hội cũng như phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hiện tượng mê tín dị đoan trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân đặc biệt là trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn. chú trọng ngăn chặn, loại bỏ tệ nạn mê tín dị đoan ra khỏi đời sống xã hội, trước tiên là loại bỏ tệ nạn này trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Mặt khác, để bài trừ tệ nàn này, lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể nhân dân trên địa bàn, trước hết là cán bộ, đảng viên, công viên chức và lớp trẻ nhận thức đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan, phân biệt rõ giữa hiện tượng mê tín dị đoan với các tín ngưỡng tôn giáo chân chính; chấn chỉnh những hoạt động “lệch chuẩn” liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; có chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi thực hiện mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh trên địa bàn…
Hình ảnh một buổi lên đồng
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đời sống tâm linh để tiến hành các hoạt động phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống xã hội thì cơ quan chức năng cũng chú trọng quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong đời sông tâm linh của cộng đồng các dân tộc tại địa phương. Phát huy các giá trị tốt đẹp, bản sắc dân tộc, văn hóa tâm linh của từng dân tộc trên địa bàn.Ngoài ra, đồng thời với việc duy trì, tôn tạo các cơ sở tôn giáo, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh duy trì những nét đẹp văn hóa tâm linh. Phát huy vai trò của toàn xã hội trong góp phần duy trì bản sắc văn hóa, tuyên truyền sâu rộng văn hóa tâm linh tốt đẹp của các dân tộc đến đông đảo mọi người nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhân thức của nhân dân về văn hóa tâm linh; giúp nhân dân phân biệt rõ văn hóa tâm linh với mê tín dị đoan nhằm gia tăng “sức đề kháng”, “khả năng miễn dịch” tinh thần khi tiếp cận với những luận điệu, những văn hóa tâm linh mang nặng tính lạch hậu hủ tục, có tác động tiêu cực…
Trường Giang