Việt Nam luôn quan tâm bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số
Các thế lực thù địch, phản động vẫn đang kiên trì với các thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gia tăng sự chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để từ đó gây mâu thuẫn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ xưa đến nay, mưu đồ xuyên suốt của thành phần phản động luôn là xuyên tạc, chống phá các chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện âm mưu đó, chúng lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai, phong tục, tập quán còn lạc hậu và cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời chúng tìm mọi cách khoét sâu, gây chia rẽ, điển hình là những thông tin sai lệch, bịa đặt, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Ở Tây Bắc, họ dựng lên cái gọi là “Vương quốc Mông”, ở Tây Nam Bộ, họ tuyên truyền tư tưởng “ly khai tự trị”, đòi thành lập “Nhà nước Khơme Campuchia Krôm độc lập”, còn ở Tây Nguyên, họ triệt để lợi dụng vụ khủng bố xảy ra tại Đắk Lắk để vu cáo rằng ở Việt Nam có “kỳ thị dân tộc”, “phân biệt chủng tộc”, “đàn áp dân tộc”, “ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc không được bảo đảm”, kích động “Tây Nguyên là của người Thượng”, “đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên phải liên kết lại đuổi người Kinh về xuôi”. Để tăng hiệu quả kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, họ dẫn dắt, đánh lận sang quyền tự do tôn giáo nhằm “quốc tế hóa” vụ việc nhằm kêu gọi can thiệp nội bộ Việt Nam.
Ảnh minh họa
Việt Nam là một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc. Tuy có sự khác nhau về quy mô dân số, về trình độ phát triển, mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục… tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Là một quốc gia đa dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 14%, hầu hết đồng bào các dân tộc sinh sống ở địa bàn miền núi, biên giới… nơi có vị trí chiến lược cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, nhận thức rõ tầm quan trọng ấy nên Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định giải quyết vấn đề dân tộc nói chung, quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội, coi đó là một nội dung quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, trong những năm qua, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt; đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Quyền bình đẳng của các dân tộc được ghi nhận và khẳng định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ. Mới đây nhất, Hiến pháp năm 2013, bản hiến pháp nâng tầm chế định về quyền con người, quyền công dân, khi đề cập đến quyền bình đẳng giữa các dân tộc, khẳng định: “Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Hiến pháp năm 2013 nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Cũng theo Hiến pháp năm 2013, Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” .
Có thể khẳng định rằng, từ trước đến nay. chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo đảm, thúc đẩy quyền của các DTTS. Hiện nay, theo thống kê, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và 97 luật, bộ luật, với gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc (là các chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc các chương trình, chính sách áp dụng chung cho cả nước nhưng có nội dung ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Tất cả các chính sách đều tập trung vào việc bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là biểu hiện việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam. Người DTTS được hưởng toàn bộ các quyền con người, quyền công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài ra còn được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Điển hình như Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 có Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng DTTS&MN với tổng số vốn là hơn 12.620 tỷ đồng (cho giai đoạn 1, 2021-2025). Trong CTMTQG giảm nghèo bền vững có Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững tại vùng nghèo, vùng khó khăn với tổng vốn hơn 18.480 tỷ đồng. Đây là hai chính sách đang trong quá trình triển khai và có ý nghĩa quan trọng đối với dạy nghề, tạo việc làm cho lao động DTTS.
Bên cạnh đó, công tác xóa đói, giảm nghèo cũng được quan tâm chú trọng, đạt được kết quả khả quan. Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, mặt bằng dân trí được nâng cao. Vùng dân tộc và miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển từ Trung ương đến các huyện vùng dân tộc và miền núi, tạo nguồn đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Theo số liệu của Vụ Dân tộc thiểu số-Ủy ban Dân tộc, tính đến tháng 02/2023, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3-4% năm. Tính đến hết tháng 8/2018, có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 %.
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, các địa phương vùng trong cả nước, nhất là vùng DTTS luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; tập trung đẩy mạnh công tác vận động quần chúng ở vùng có đông đồng bào tôn giáo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; kịp thời thông tin, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho chức sắc, chức việc để thông qua đó tuyên truyền trong quần chúng tín đồ. Nhiều địa phương chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền bằng hai thứ tiếng, để phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào. Chính quyền các địa phương luôn bảo đảm sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tổ chức tôn giáo; giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Các lễ hội tôn giáo được diễn ra bình thường; hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển chức sắc, tín đồ tôn giáo được giải quyết nhanh chóng; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được duy trì và mở rộng; việc in ấn kinh sách và xuất bản các ấn phẩm khác liên quan đến tôn giáo được thực hiện thường xuyên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tổ chức tôn giáo; việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo được quan tâm giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật.
Những kết quả to lớn của quá trình thực hiện các chính sách dân tộc của Việt Nam, cùng sự nhất quán trong quan điểm bình đẳng, đoàn kết dân tộc là minh chứng sinh động khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà còn phát huy các giá trị truyền thống quý báu của từng dân tộc, của mỗi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Đó là cơ sở để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, là động lực mạnh mẽ của tiến trình phát triển đất nước hiện nay. Từ chủ trương, đường lối, các quyết sách quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đến những hình ảnh chân thực, sinh động thể hiện tình cảm, sự quan tâm, gắn bó sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với bà con các dân tộc Tây Nguyên cũng như niềm tin yêu của bà con với Đảng, Nhà nước, với các đồng chí lãnh đạo. Hiện thực đó bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực xấu, vu cáo Đảng, Nhà nước “bỏ mặc đồng bào”, “phân biệt đối xử”, “đẩy vào đường cùng, buộc phải vùng lên”…