A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuyên tạc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, hành động phi lý, lạc lõng

Ngày 30-6-2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán, có hiệu lực vào ngày 01/8/2020. Đây được coi là sự kiện đi vào lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, mở ra những lợi ích chưa từng có cho cả hai bên. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lợi dụng sự kiện này để gia tăng các hoạt động chống phá, ngăn cản.

https://image.vovworld.vn/w730/uploaded/vovworld/ujwyqdxwp/2020_02_13/tsctamsang132_anh2_icgf.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Lợi ích mà EVFTA đem lại là rất lớn

Việc ký kết EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam với EU mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mở ra sự hợp tác toàn diện, rộng lớn và phát triển mạnh mẽ hơn giữa hai bên, tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, góp phần phát huy các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết quả tổng hòa của các yếu tố này là đất nước ngày càng phát triển, đời sống mọi mặt của toàn dân ngày càng được nâng cao. EVIPA không chỉ đáp ứng nhu cầu phối hợp phát triển giữa Việt Nam với EU, mà còn là biểu thị cho xu hướng tích cực của nhân loại ngày nay là hợp tác vì lợi ích của các bên, góp phần vào sự phát triển bền vững, vì một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển.

Theo Bộ Công thương, “Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng song với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030… Ngoài ra, các cam kết về dịch vụ – đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU được tiếp cận thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng”…

Những kẻ xuyên tạc Hiệp định EVFTA là ai?

Những lợi ích của Hiệp định EVFTA lại là những điều nằm ngoài mong muốn của các thế lực thù địch cũng như một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đối với Việt Nam. Những tổ chức quốc tế điển hình như: Phóng viên không biên giới (RFS), Law Right watch Canada, Radio TNT Hoa Kỳ, các loại tổ chức tự nhận “hoạt động vì nhân quyền” nhưng hữu danh vô thực, chủ yếu tồn tại trên internet như VETO (Mạng lưới người bảo vệ nhân quyền), Quê mẹ (thuộc cái gọi là “Phật giáo Việt Nam thống nhất”), BPSOS (Ủy ban cứu người vượt biển), CRFV (Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam), các tổ chức trong nước và phản động lưu vong gồm: Việt Tân, Nhà báo Tự do, Người bảo vệ nhân quyền, các Hội đoàn chống cộng, chi hội Phật giáo thống nhất, Cộng đồng người Việt tị nạn, Liên minh quang phục Việt Nam…

Để đạt được mục tiêu lật đổ chính quyền nhân dân và vốn có cái nhìn hằn học, thiếu thiện cảm với thể chế chính trị, chúng thường có cáo buộc thiếu khách quan, vu cáo và nhiều hành động đi ngược lại với lợi ích của Việt Nam.Thực tế cho thấy, mỗi khi xuất hiện quan hệ hợp tác quốc tế nào đó có thể tác động tích cực cho sự phát triển của Việt Nam thì chúng ngay lập tức lên tiếng phản đối, tìm mọi cách cản trở, chống phá.

Những luận điệu xuyên tạc, chống phá

Đối với việc ký kết EVFTA, chúng hậm hực, cố tình xuyên tạc rằng Việt Nam mất nhiều hơn được khi ký hiệp định này, tình trạng nhân quyền và lao động của Việt Nam rất tồi tệ. Chúng tung lên mạng xã hội cái gọi là “thư ngỏ” đề nghị một số cá nhân có trách nhiệm trong EU “hoãn lại việc chấp thuận đến khi các yêu cầu về nhân quyền đề ra được chính quyền Việt Nam đáp ứng”. Chúng xuất hiện hết nơi này nơi khác để “điều trần”, tham gia hội thảo chỉ nhằm lặp đi lặp lại những phát ngôn trái ngược với suy nghĩ, nhận thức của người thực tâm đề cao nhân quyền, thực lòng quan tâm đến cuộc sống của đồng bào mình. Thậm chí, qua cái gọi “thư gửi Nghị viện châu Âu” ngày 4-2-2020, chúng lớn tiếng phê phán “số đông” trong INTA “lờ đi những cam kết đã được đề nghị bởi nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam”… Với các hoạt động phản đối điên cuồng, bất chấp liêm sỉ như vậy, họ tự bộc lộ dã tâm và mưu đồ chính trị đen tối, sẵn sàng chà đạp, bỏ mặc, không cần đếm xỉa gì tới quyền lợi của người lao động ở Việt Nam (trích “Sự ồn ào phi lý và trơ trẽn”, Báo Nhân dân điện tử).

Các phần tử phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh hoạt động vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền, tăng cường các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ để bóp méo tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam. Vu cáo Việt Nam “gia tăng đàn áp” và tiếp tục “vi phạm các điều luật và chuẩn mực quốc tế đã được xác định trong Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền”, Công ước Quốc tế về Quyền chính trị-dân sự và kiến nghị “Nếu không dừng lại EVFTA thì EU có nguy cơ giao thương với một quốc gia đàn áp chính người dân của họ – những người cổ xuý cho công nhân và các quyền tự do khác được đảm bảo bởi luật pháp và chuẩn mực quốc tế”.

https://1.bp.blogspot.com/-qH-QDmvKoss/XktLLQ8RlyI/AAAAAAAAFao/C0tZLGP8ukwEhVVIvIQA_HmohzEya3MgQCNcBGAsYHQ/s400/image002.jpg

Đài Á Châu tự do đăng bài viết xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam

Trước khi EVFTA, EVIPA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn chúng tiếp tục phá hoại quá trình phê chuẩn hiệp định. Chỉ vài ngày trước khi hiệp định được bỏ phiếu thông qua, một số tổ chức phi chính phủ đã cố tình gây sức ép đòi các nghị sĩ châu Âu hoãn phê chuẩn hai hiệp định này, lấy lý do là tình trạng nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam vẫn còn “đáng lo ngại”.  Một số đối tượng chống đối, phản động lợi dụng vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội để cố tình đánh tráo bản chất vụ việc, vu cáo rằng chính quyền cướp đất nông nghiệp của dân, công an bắt người trái pháp luật, vi phạm nhân quyền, từ đó kêu gọi Nghị viện châu Âu không phê chuẩn EVFTA…

Những luận điệu cố tình bôi nhọ, xuyên tạc những thành quả của Việt Nam để cản trở Hiệp định này là hoàn toàn không có căn cứ về mặt lý luận và thực tiễn. Mục tiêu cuối cùng của chúng là hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, thúc đẩy “tự do hoá” chính trị, thực hiện “xã hội dân sự”, mở đường việc hình thành các tổ chức chính trị, xã hội, thể chế “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Từ đó lật đổ, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước và cuối cùng là thay đổi thể chế chính trị ở nước ta.

Không thể xuyên tạc Hiệp định EVFTA

Những luận điệu xuyên tạc, đổi trắng thay đen, bôi nhọ sự thật trắng trợn về Việt Nam không thể làm thay đổi được hình ảnh, vị thế, giá trị của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã thực hiện tốt việc phổ cập các chính sách về quyền con người, thực hiện bảo vệ quyền con người hài hòa với các lĩnh vực khác, thực tiễn đã chứng minh điều đó. Nỗ lực đảm bảo quyền con người của Việt Nam đã được các nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ công nhận. Phát triển kinh tế nhằm bảo đảm cho lợi ích của toàn dân ngày càng được nâng cao sẽ góp phần củng cố, phát triển nhân quyền ở Việt Nam. Đây là minh chứng trực tiếp bác bỏ, vạch trần những luận điệu phi lí của các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí. Việc mượn cớ nhân quyền ở Việt Nam rõ ràng là không khách quan, không phản ánh đúng các thành tựu về quyền con người mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự nghiệp đổi đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực, an sinh xã hội được bảo đảm và tăng cường. Tại đối thoại Báo cáo Quốc gia về nhân quyền theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 3 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc ngày 22/1/2019, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, trong đó có quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những xuyên tạc, vu cáo về tình hình nhân quyền, lấy đó làm lý do để ngăn cản, phá hoại EVFTA là đi ngược lại với lợi ích dân tộc, phá hoại đường lối hội nhập kinh tế, công cuộc đổi mới của cách mạng Việt Nam.

Ký kết EVFTA là một nhu cầu thiết thực của cả EU và Việt Nam, do đó mọi hành vi hủy hoại hay trì hoãn hiệp định là vô lý và rõ ràng đã thất bại. Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, trở thành động lực quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Đó là thực tế, là những giá trị không thể phủ nhận.

Hoài Anh