A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền: Hành động lạc lõng thể hiện mưu đồ bất chính

Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1945 đã khẳng định rõ quyền con người của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Suốt hơn 75 năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam luôn đấu tranh, bảo vệ quyền con người và đã đạt được nhiều thành tựu được cộng đồng thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề này một cách trắng trợn để bóp méo sự thật nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Việt Nam qua 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nhưng cũng đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta trên mọi phương diện, trước hết là lĩnh vực tư tưởng. Chúng ra sức tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc với mưu đồ làm phai nhạt ý thức hệ, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng Cộng sản với nhân dân ta, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tiến tới chuyển đổi chế độ chính trị “chiến thắng mà không cần chiến tranh”. Thủ đoạn thâm độc mà các thế lực thù địch đã sử dụng thành công ở một số nước và đang áp dụng để chống Việt Nam là chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”.

Khái niệm quyền con người đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, ngay khi con người bắt đầu tự ý thức về mình như một bộ phận đặc thù của tự nhiên song nó chỉ được định hình và thể hiện bằng pháp luật khi giai cấp tư sản giành được vị trí thống trị xã hội. Tư tưởng phổ biến của nhiều quốc gia tư sản hiện nay là thừa nhận quyền con người là quyền tự nhiên, mang tính bẩm sinh của con người, tuyệt đối hóa tự do cá nhân và “quyền tư hữu thiêng liêng” đi đến chỗ chỉ nhấn mạnh yếu tố cá nhân trong quan niệm nhân quyền. Đây chính là nền tảng tư tưởng mở đường cho luận điểm đề cao nhân quyền hơn chủ quyền, cắt nghĩa cho việc các thế lực thù địch can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của những quốc gia độc lập.

Có thể khẳng định rằng, việc tuyệt đối hóa mặt tự nhiên của nhân quyền là sai lầm và phản khoa học vì con người không chỉ tồn tại với tư cách là con người tự nhiên mà còn mang bản chất xã hội. Con người không phải là thực thể ngủ im trong một thế giới khép kín đầy bí ẩn mà phải sống trong một thời đại nhất định, một xã hội nhất định, có các quan hệ xã hội đan xen. Do vậy, mỗi con người phải có trách nhiệm và gắn bó với xã hội, với cộng đồng, quốc gia mình sinh sống. Điều này đồng nghĩa với việc quyền con người phải thống nhất với vận mệnh dân tộc và chủ quyền quốc gia, chỉ khi quốc gia có chủ quyền thì vấn đề nhân quyền mới được đảm bảo. Việc tuyệt đối hóa các quyền cá nhân sẽ gây phương hại cho xã hội khi các thế lực theo đuổi những giá trị riêng vì mục đích, ý đồ của mình mà bất chấp sự phản đối của các lực lượng tiến bộ.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định mối liên hệ hữu cơ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia. Khi đất nước còn đắm chìm trong màn đêm nô lệ, quằn quại dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc thì những giá trị nhân quyền như “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà chúng mang đến khai hóa cho nhân dân ta là “nhà tù”, “rượu cồn và thuốc phiện”, là sự đàn áp đẫm máu và dã man… Là một dân tộc phải chiến đấu bền bỉ, đổ bao máu và nước mắt để vươn lên giành lại chủ quyền dân tộc, giành quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, chỉ khi nào giành được độc lập, tự do, quyền tự quyết cho dân tộc mình thì nhân dân mới được hưởng những quyền cơ bản của con người.

Mỉa mai thay, các thế lực từng gieo rắc bao tang thương, mất mát cho nhân dân của nhiều quốc gia dân tộc lại tự cho mình quyền đánh giá, phán xét tình hình nhân quyền của các quốc gia có chủ quyền khác. Thông qua nhiều phương tiện thông tin như mạng Internet, báo chí chống cộng, các thế lực thù địch không ngừng mở các chiến dịch đòi tự do, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng. Chúng giật dây cho những con rối chính trị bước lên “diễn đàn dân chủ” tuyên truyền cho cái gọi là “nhân quyền tư sản”, bóp méo sự thật, vu cáo, bịa đặt hòng tạo ra một hình ảnh Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm vẫn thực hiện một thông lệ hết sức kỳ quặc là công bố bản báo cáo về tình trạng nhân quyền thế giới, trong đó thường xuyên phê phán Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hơn thế nữa, Hạ viện Mỹ còn thông qua “Đạo luật nhân quyền cho Việt Nam”, vi phạm trắng trợn những nguyên tắc pháp lý đã được ghi rõ trong Hiến chương Liên hiệp quốc, đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia… Những hành động thiếu thiện chí này đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia độc lập, gây trở ngại đến quá trình bình thường hóa giữa hai nước Việt – Mỹ.

Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đủ sức vươn mình ra biển lớn hòa cùng xu thế hội nhập của thế giới. Về vấn đề nhân quyền, đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất cả vì sự nghiệp giải phóng con người, vì quyền con người đích thực tuy nhiên chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh chống mọi sự can thiệp, mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm làm suy yếu tiến tới lật đổ chế độ. Những thành tựu về mặt nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được là hết sức to lớn mà không một ai có thể phủ nhận được.

Sau gần một thế kỷ bị xâm lược, quyền con người bị tước bỏ, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đánh dấu sự tiến bộ về quyền con người. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 : “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” . Từ đó Người khẳng định: “Tất cả các dân tộc thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” . Lời tuyên bố hùng hồn đó đã đặt cơ sở cho việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã thực sự thoát khỏi thân phận nô lệ, được hít thở không khí của một quốc gia độc lập, được chăm lo phát triển một cách toàn diện. Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn các tiêu chí về quyền con người trong điều kiện, hoàn cảnh mới.

Về mặt pháp lý, quyền con người đã được thể hiện và bổ sung ngày một hoàn thiện trong các bản Hiến pháp và pháp luật của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có hai công ước cơ bản là Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966). Trên bình diện vĩ mô, Nhà nước ngày càng thể hiện vai trò trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần người dân nâng lên, làm giảm đi sự bất bình đẳng về kinh tế, trình độ dân trí và văn hóa… Những cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước, chăm lo cho con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được bầu vào Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc và được đánh giá là nước giải quyết thành công nhất việc xóa đói, giảm nghèo, được các nước Châu Á đề cử làm ứng cử viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008…

Về vấn đề tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và sẽ cùng tồn tại với dân tộc. Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”. Đảng và Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động bình thường theo pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng nhân dân cả nước phấn đấu xây dựng một xã hội hạnh phúc, phồn vinh. Nhà bình luận Radolêry cũng thừa nhận: Không hề có chuyện đàn áp tôn giáo, Chính phủ Việt Nam cho phép mọi người dân thờ cúng theo những tôn giáo mà họ lựa chọn, việc tham gia hoạt động tôn giáo trên toàn quốc tiếp tục tăng lên đáng kể.

Đối với vấn đề dân tộc, Đảng ta khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Trên quan điểm đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, chống mọi biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc. Việc thực hiện chính sách dân tộc của Việt Nam đã và đang mang lại những kết quả to lớn, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi có những kết quả rõ rệt.

Để viện dẫn cho luận điệu Việt Nam đàn áp tôn giáo, kỳ thị dân tộc, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của nhân dân, chúng đưa ra những nhân vật đã bị pháp luật Việt Nam xử lý, biến những phần tử này thành những chiến sỹ yêu nước thông qua những tên gọi mỹ miều như “hiệp sỹ”, “chiến sỹ đấu tranh cho tự do dân chủ”. Thực tế, đây chỉ là những phần tử phản động đội lốt tôn giáo, dân tộc, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị hoạt động chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, gây phức tạp an ninh, trật tự của đất nước, đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Pháp luật Việt Nam khoan dung, độ lượng nhưng cũng rất nghiêm minh, chúng ta xét xử các phần tử đó theo đúng các trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định, được dư luận trong và ngoài nước ủng hộ thì làm sao gọi đó là vi phạm chuẩn mực quốc tế? Thành tựu về quyền con người mà Việt Nam đã đạt được ghi nhận công lao hết sức to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lý luận và thực tiễn cách mạng ngày càng khẳng định rằng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chúng ta mới có thể tiến tới chủ nghĩa xã hội, mới đảm bảo được quyền con người và xây dựng nền dân chủ thật sự cho nhân dân. Tuy nhiên, đất nước ta quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một xuất phát điểm thấp, đây là thời kỳ giao thời giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu nên chắc hẳn cũng còn có nhiều sai lầm, khuyết điểm, điều quan trọng là chúng ta biết nhận ra những sai lầm và tích cực khắc phục, sửa chữa. Việc các thế lực thù địch cố tình bới móc, thổi phồng khuyết điểm, đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng không hề có mục đích xây dựng mà chỉ là sự nhìn nhận thiên kiến mang ý đồ đen tối.

Bước sang thế kỷ XXI, những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam đã phủ nhận mọi sự xuyên tạc, bóp méo, chứng tỏ rằng những luận điệu đó chỉ là những hành động lạc lõng thể hiện mưu đồ bất chính của các thế lực thù địch, hiếu chiến, phá hoại hòa bình, phản bội lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng về vấn đề quyền con người tuy còn nhiều khó khăn, phức tạp nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tin chắc sẽ thắng lợi, không một thế lực nào có thể ngăn cản được sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

Hoài Nhung