A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, nhu cầu đời sống xã hội tăng cao thì hoạt động buôn lậu diễn ra ngày càng nhiều với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, manh động và không còn ranh giới ở bất cứ một mặt hàng hay sản phẩm tiêu dùng nào. Mặc dù các lực lượng chức năng đã có những nỗ lực nhất định song đây thực sự là vấn đề nan giải mà đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), các đơn vị chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm 88.229 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, số thu nộp ngân sách nhà nước trên 7.427 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ và 889 đối tượng. Có thể thấy, đây là những con số đáng lo ngại bởi các hoạt động gian lận thương mại, hàng giả nói chung và buôn lậu nói riêng.

C:UsersAdminDesktopuntitled.png

Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới

Hoạt động buôn lậu diễn ra khá phức tạp vào mọi thời điểm, nhất là khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng cao. Địa bàn hoạt động tập trung chủ yếu ở các đường mòn, lối mở, sông suối, kênh rạch của các tuyến biên giới trên đường bộ và đường thủy. Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, song tập trung nhiều vào các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sử dụng nhiều loại phương tiện thông tin liên lạc hiện đại hòng qua mặt lực lượng chức năng và có lúc sử dụng cả vũ khí manh động để chống trả. Trên tuyến đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chủ yếu tại khu vực biên giới các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Tại tuyến biên giới Tây Nam Bộ, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong xử lý hình sự nên hoạt động buôn lậu thuốc lá có sự gia tăng cả về quy mô, số lượng và phương thức hoạt động. Đối với mặt hàng đường, các đối tượng vẫn sử dụng phương thức dùng bao bì của các doanh nghiệp đường trong nước, đưa sang biên giới Campuchia đóng gói, chờ đêm tối vận chuyển qua biên giới vào nội địa để tiêu thụ. Trên tuyến biển, cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế, hoạt động buôn bán xăng dầu diễn biến phức tạp; tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, hàng hóa vi phạm vẫn tập trung chủ yếu vào các loại hàng cấm, hàng gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu. Trong nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…; chủ yếu là các nhóm mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thời gian qua, hoạt động buôn lậu chủ yếu diễn ra tại các đường tiểu ngạch ven tuyến biên giới giáp Lào, Campuchia, nhất là vào dịp cuối năm cận kề Tết Nguyên đán. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 542 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu qua biên giới, tập trung chủ yếu là pháo, gỗ, thuốc lá, thu nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Mặc dù các ngành, các cấp đã triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác đấu tranh chống buôn lậu, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tích cực ủng hộ công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, song hoạt động buôn lậu vẫn tiếp diễn với những diễn biến khó lường.

Hậu quả hành vi buôn lậu để lại là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường trong nước, giảm sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, phá vỡ quy luật thị trường mà còn gây thiệt hại lớn đến nguồn ngân sách nhà nước từ hành vi trốn thuế của hoạt động này. Nặng nề hơn, với một thị trường hàng lậu được bày bán tràn lan, mất kiểm soát thì việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là vấn đề hết sức khó khăn bởi họ đã mất niềm tin đầu tư khi tính minh bạch, công bằng thị trường bị phá vỡ.

Bám sát các bội dung chỉ đạo của Chính phủ, công tác đấu tranh chống buôn lậu từ trung ương đến cơ sở đã được các bộ, ngành quan tâm thực hiện, từng bước đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, kinh tế xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, được nhân dân, các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao. Các lực lượng chức năng, trong đó chủ công là Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường đã phát huy tốt mối quan hệ phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối với những hành vi liên quan đến buôn lậu và hàng nhập lậu. Tổ chức hoạt động nghiệp vụ đồng bộ, rộng khắp bằng nhiều hình thức khác nhau, làm tốt công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch để kịp thời có phương án đấu tranh. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thanh kiểm tra, nhất là vào các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm hay dịp Tết Nguyên đán khi hoạt động buôn lậu diễn ra khá mạnh.

Về trách nhiệm pháp lý, hành vi buôn lậu là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm tội phạm này sẽ bị xử lý theo các mức hình phạt đã được quy định cụ thể tại Điều 188 “Tội buôn lậu”, Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

“1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhận thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hành hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.00 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Mặc dù pháp luật đã có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi buôn lậu và các cơ quan chức năng cũng đã có những nỗ lực nhất định song trong thực tế hoạt động buôn lậu vẫn xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Bởi lẽ, lợi nhuận thu được là rất lớn, thị trường tiêu thụ rộng nên nhiều đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí liều lĩnh sử dụng vũ khí “nóng” để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Trong khi đó, địa bàn hoạt động của loại tội phạm này đa số ở các tuyến biên giới trên bộ nhiều đường tiểu ngạch, khá hiểm trở hay lợi dụng đường thủy với điều kiện đi lại khó khăn, nhỏ lẻ, thủ đoạn ngụy trang tinh vi, xảo quyệt đã gây không ít khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý.

Hoạt động buôn lậu là rất khó giải quyết triệt để song mục tiêu kiên định luôn đặt ra là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi buôn lậu, hạn chế thấp nhất tình trạng này xảy ra. Để thực hiện mục tiêu này cần xác định đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này với những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, về phía các cơ quan chức năng. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, trong đó tập trung vào Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ và Quyết định số 05/QĐ-BCĐ, ngày 23/9/2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền… Nắm vững diễn biến, tình hình hoạt động buôn lậu theo lĩnh vực, địa bàn để nhận diện các đối tượng nổi cộm, các mặt hàng mới nổi để đấu tranh, ngăn chặn. Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, tích cực tham gia tố giác tội phạm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục cán bộ, chiến sỹ nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, không để bọn tội phạm lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc tiếp tay cho buôn lậu; thay thế, điều chuyển người đứng đầu cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là, về phía quần chúng nhân dân. Cảnh giác trong sử dụng các mặt hàng, bài trừ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không tiếp tay cho loại tội phạm này có cơ hội hoạt động. Chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là người dân sinh sống ở khu vực biên giới. Nâng cao nhận thức về hậu quả nghiêm trọng của tội phạm buôn lậu đối với cộng đồng xã hội và sự phát triển của nền kinh tế đất nước cũng như trách nhiệm pháp lý phải gánh chịu để đề cao cảnh giác, không bị đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục tham gia vào các đường dây buôn lậu.

Khánh Vi


Tin liên quan