A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hậu quả khôn lường từ hoạt động khai thác cát trái phép

 

Khai thác cát là hoạt động cần thiết nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho các hoạt động xây dựng kiến thiết cơ bản. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép đã và đang xảy ra đã để lại nhiều hệ lụy khôn lường, không chỉ gây sạt lở đất, suy kiệt nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Hoạt động khai thác cát tại bờ sông Đăk Bla đoạn chảy qua TP. Kon Tum

E: 20170521154936Khó%20xử%20lý%20phương%20tiện,%20máy%20móc%20của%20đối%20tượng%20khai%20thác%20cát%20trái%20phép%20nếu%20chính%20quyền%20đ.jpg

Cát không đơn thuần là vật liệu xây dựng mà có vai trò rất quan trọng trong kiến tạo đồng bằng, ổn định lòng, bờ sông và tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh. Thông thường cát, sỏi được nạo vét từ lòng sông phục vụ xây dựng, đảm bảo cho tàu, thuyền đi lại trên sông thuận lợi. Tuy nhiên, nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm. Độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn. Lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán, một số cây trồng hai bên có thể chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Hạ thấp mực nước ngầm còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Ngoài ra, dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng, gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên các tuyến sông, suối không có giấy phép hoạt động với quy mô vừa và nhỏ diễn ra khá phổ biến, đây chính là nguyên nhân làm thất thoát nguồn tài nguyên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất. Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã đôi lúc còn buông lỏng, không kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép, để kéo dài tạo điểm nóng, trong đó phải kể đến hoạt động khai thác cát, sỏi ở sông Đăk Bla. Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong khai thác cát, sỏi dọc bờ sông Đăk Bla đoạn chảy ra TP.Kon Tum ngày 21/5/2017 của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh, đã xác định ít nhất 5 điểm khai thác cát trái phép dọc bờ sông Đăk Bla thuộc địa bàn các thôn Kon Tum Kơ Pơng, Kon Klor – phường Thắng Lợi; thôn Trung Thành – xã Vinh Quang; thôn 5, Kon Hra Ktu – xã Chư Hreng, xã Đăk Blà. Đáng lưu ý, tại các điểm này, mặc dù một số doanh nghiệp và cá nhân đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần song hoạt động khai thác cát trái phép vẫn tiếp tục tái diễn.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc trong cuộc chiến chống nạn “cát tặc” với tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao. Nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo ANTT trong khu vực, ngày 21/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-UBND về ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm siết chặt ý thức trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát, sỏi nói riêng. Đối với công tác cấp phép hoạt động khai thác cát xây dựng, từ năm 2015 đến 2017, UBND đã cấp 20 giấy phép thăm dò, cấp mới 08 giấy phép, gia hạn 01 giấy phép. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 15 giấy phép được khai thác cát xây dựng do UBND tỉnh cấp.

Xác định đấu tranh chống hoạt động khai thác cát trái phép là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Công an, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trọng hoạt động khai thác cát, sỏi; xây dựng Kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi cũng nhưtham gia các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong hoạt động này. Qua đó, đã tiến hành nhắc nhở, xử lý  hoạt động khai thác cát trái phép của nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh; nghiêm túc xác minh, làm rõ hành vi vi phạm về khai thác cát xây dựng mà báo chí phản ánh để tham mưu cấp có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Không sử dụng công nghệ phức tạp, phương tiện linh hoạt có thể di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, có thể khai thác bất cứ lúc nào cả ngày lẫn đêm, đây chính là những đặc điểm làm cho khai thác cát trái phép đang trở thành vấn đề nan giải hiện nay trong công tác quản lý nhà nước về ANTT đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống “cát tặc” cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng trong phòng ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, môi trường sinh thái và ổn định đời sống nhân dân.


Khánh Vi


Tin liên quan