A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lật tẩy chiêu trò lừa đảo tinh vi qua zalo

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra tình trạng các đối tượng xấu giả mạo zalo để nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan công an liên tiếp phát đi những thông báo, cảnh báo nhưng tình trạng này lại tiếp túc tái diễn với chiêu trò ngày càng tinh vi hơn.

 

Ảnh minh họa

Lập tài khoản Zalo, đăng ký TK ngân hàng trùng tên người bị lợi dụng để lừa đảo

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo lập một tài khoản Zalo có tên và sử dụng hình ảnh của người bị hại làm hình đại diện. Trong Zalo đó cũng sẽ có danh sách bạn bè giống như Zalo chính chủ. Tiếp theo, kẻ lừa đảo sẽ tiến hành kết bạn hàng loạt đến số điện thoại trong danh sách trên, sau đó sẽ tiến hành gửi một tin nhắn mồi (vì các đối tượng chưa biết mối quan hệ giữa 2 người, chỉ có thông tin SĐT, tên danh bạ) ví dụ như tin nhắn: "Alo" hoặc "Alo bạn", rồi đợi phản hồi từ mục tiêu để xác định lại cách nói chuyện, từ đó sẽ tiến hành đóng giả nói chuyện và hỏi vay tiền.

Khi trò chuyện một lúc và nhận thấy có khả năng đã lấy được lòng tin của người dân, các đối tượng sẽ vịn vào lí do cấp bách để tiến hành hỏi vay tiền. Sau khi vay được một lần, kẻ lừa đảo đã xác định con mồi này đã có lòng tin tưởng, nên sẽ tìm các lý do khác nhau để vay tiếp với số lượng tăng dần tuỳ vào hoàn cảnh, mối quan hệ với người được hỏi. Ngay cả khi nói thẻ không đủ con số để cho mượn, đối tượng vẫn tiếp tục hỏi còn bao nhiêu cho mượn tạm cũng được. Đặc biệt, tên chủ thẻ ngân hàng nhận tiền cũng trùng khớp tên người bị giả mạo dẫn đến người dân không mảy may nghi ngờ mà lập tức chuyển khoản.

Tinh vi hơn, các đối còn có thể gọi điện thoại cho người bị chúng giả mạo zalo để ghi âm giọng nói của họ. Khi bị hại gọi lại xác minh thì sẽ bật lên khiến cho bị hại tin tưởng. Cũng có những trường hợp đối tượng còn kỳ công tạo clip từ hình ảnh của người vay, sau đó sử dụng để “chat” online với người bị hại, khiến người bị hại sập bẫy.

Thực tế, khi thấy số lượng tiền cho vay không quá lớn, đa số người dân đều chuyển tiền mà không cần gọi điện để xác thực. Đến khi số tiền cần chuyển lớn thì người dân mới gọi điện xác thực thì lúc này đã quá muộn, các đối tượng đã chặn hết liên lạc. Kẻ lừa đảo bằng một cách nào đấy đã có được gói dữ liệu là danh sách số điện thoại trong danh bạ của người bị giả mạo để tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần thực hiện các biện pháp để bảo mật thông tin cá nhân

Hiện nay, người dân dùng điện thoại thông minh thường cài đặt rất nhiều ứng dụng như game, các ứng dụng hỗ trợ chỉnh sửa ảnh, app tài chính, các công cụ tiện ích... Các app này đều có quyền truy cập vào danh bạ, hình ảnh và thu thập nhiều thông tin khác. Sau đó, bán thông tin này dưới dạng "social listening" (phương tiện quản lý truyền thông lắng nghe và theo dõi người dùng) cho đối tác thứ ba. Điều này có thể lí giải phần nào các kẻ xấu có thể nắm trong tay dữ liệu về danh bạ của người dân

Do đó, người dân không nên cấp quyền truy cập danh bạ, hình ảnh, ghi âm… của ứng dụng lạ khi tải trên mạng, đồng thời hạn chế tối đa việc chia sẻ, đăng tải thông tin cá nhân trên không gian mạng. Khi người dân càng chia sẻ nhiều thông tin cá nhân, càng tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi trái pháp luật. Nếu bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, người dân cần sử dụng các cơ chế nhằm bảo mật thông tin.

Tình trạng lừa đảo tài chính thông qua việc giả mạo tài khoản Zalo xuất hiện nhiều, dấy lên những nghi ngại về vấn đề bảo mật thông tin người dân

Để không trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội, người dân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác và có biện pháp kiểm tra kỹ lưỡng, gọi điện xác minh, thậm chí gặp mặt trực tiếp khi có người cần hỏi vay tiền. Đồng thời, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, mã OTP, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.

 


Tác giả: Trung Đức