A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức đăng ký dự thi "Cuộc thi áo dài duyên dáng Việt Nam"

Đầu tháng 9/2023, Chị X có tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook thì thấy quảng cáo cuộc thi áo dài Việt Nam qua fanpage “Cuộc thi áo dài duyên dáng Việt Nam”. Chị X nhắn tin cho fanpage này, sau đó ngay lập tức chị X được 1 tài khoản facebook có tên “Anh Quân” tư vấn qua Messenger. Facebook “Anh Quân” đã yêu cầu chị X cung cấp thông tin cá nhân của mình và sau đó gửi cho chị X hình ảnh được cho là “thẻ thông tin ứng viên” (có đầy đủ họ và tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, tài khoảng ngân hàng và mã ứng viên).

Chị X tiếp tục được giới thiệu liên lạc với tài khoản Zalo khác có tên “Hữu Trí”, tự xưng là chuyên viên từ phía Chương trình của đài truyền hình VTV. Tiếp đó, Chị X được “Hữu Trí” đưa vào nhóm Zalo khác có tên “104.VTV - VÒNG SƠ TUYỂN” có 06 thành viên (ngoài Hữu Trí và Chị X còn 04 thí sinh khác - cũng là các đối tượng giả danh để tạo niềm tin). Sau khi thử nhắn tin cho 04 người còn lại trong nhóm, các thành viên tự xưng tới từ Nghệ An, Đăk Lăk và thậm chí có người tự xưng cũng tới từ Kon Tum nên càng tạo niềm tin cho chị X để tiếp tục cuộc hành trình.

Các đối tượng hướng dẫn chị X trong nhóm Zalo cách thức tham gia bằng cách chuyển số tiền trên sản phẩm mà hệ thống đưa ra sẽ được chuyển hoàn lại và có hoa hồng, tổng cộng có 03 thử thách. Sau 02 lần thử thách đầu tiên, chị X vẫn nhận được lại tiền hoa hồng, thế nên đến lần thử thách thứ 3, khi các đối tượng đưa giá sản phẩm lên, chị X không ngần ngại thực hiện chuyển khoản. Tuy nhiên, các đối tượng lúc này mới bắt đầu lộ rõ chiêu trò. Bọn chúng đã yêu cầu chị X chuyển tiếp số tiền của thử thách thêm một lần nữa vì lý do “nội dung chuyển khoản sai cú pháp” để có thể nhận được tiền và hoa hồng, nếu không hoàn thành sẽ mất hết số tiền trước đó vì “chưa hoàn thành nhiệm vụ”. Vì lo sợ mất đi số tiền đã chuyển trước đó, chị X đã tiếp tục chuyển tiền cho các đối tượng, đồng thời lúc đó các thành viên trong nhóm Zalo “104.VTV - VÒNG SƠ TUYỂN” cũng liên tục nhắn vào nhóm đã nhận được tiền hoa hồng khiến cho chị X cảm thấy tin tưởng hơn.

Ngày tiếp theo, chị X đã hoàn thành thử thách với tổng số tiền đã chuyển cho các đối tượng là hơn 1 tỷ đồng. Các đối tượng thông báo chị X đã hoàn thành và yêu cầu chờ đợi khoản 5 phút. Tuy nhiên, hơn 30 phút trôi qua, chị X không thấy phản hồi gì thì đã liên lạc với các đối tượng, và được chúng tiếp tục thông báo “nếu muốn nhận lại tiền thì liên hệ tổng đài 1900252600 để được tư vấn”.

Chị X gọi điện cho số tổng đài trên và tiếp tục được giới thiệu cho 1 tài khoản Zalo khác để có thể nhận lại được tiền mình đã chuyển. Lần này, các đối tượng lấy ly do là số tiền giao dịch của chị X không khớp trên hệ thống, và yêu cầu chuyển hơn 150 triệu đồng nữa mới có thể rút toàn bộ tiền ra. Vì tiếc số tiền hơn 1 tỷ đồng đã bỏ ra trước đó, nên chị X tiếp tục chuyển theo yêu cầu của các đối tượng. Chúng lại yêu cầu chị X đợi, và sau đó lại lấy lý do hệ thống quá tải nên hẹn chị X vào ngày tiếp theo.

Hôm sau, chị X liên lạc hỏi tại sao vẫn chưa nhận được tiền, thì các đối tượng yêu cầu chị X chuyển cho chúng thêm gần 200 triệu đồng nữa gọi tiền là “tiền cafe” để chúng làm thủ tục chuyển tiền cho chị X. Đến lúc này, chị X mới tá hỏa là bản thân là bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với mục đích ban đầu là tham dự cuộc thi áo dài Việt Nam, nhưng chị X đã bị các đối tượng lôi kéo tham gia vào vòng xoáy “làm nhiệm vụ để nhận tiền hoa hồng” từ lúc nào không hay. Và với tâm lý tiếc tiền đã bỏ ra nên càng ngày chị càng bị cuốn sâu, đến khi không còn khả năng về tài chính nữa mới ngộ ra bản thân đã bị lừa.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Kon Tum đề nghị người dân cần cảnh giác hơn nữa khi tham gia vào mạng xã hội, các hình thức lừa đảo liên tục được các đối tượng biến đổi ngày càng tinh vi hơn để có thể dễ dàng dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin, đặc biệt là ham “VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO”, tuyệt đối không có hình thức kiếm tiền bằng cách chuyển khoản qua lại để nhận hoa hồng với lãi suất cao. Để phòng tránh lừa đảo và những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân cần lưu ý:

+ Không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết.

+ Đặc biệt cẩn trọng đối với các chương trình tuyển người mẫu, hay tuyển mẫu nhí trên không gian mạng và hạn chế gửi hình ảnh, thông tin của bản thân và người thân trong gia đình nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu. Đặc biệt không làm việc với nhà tuyển dụng nào mà yêu cầu ứng viên phải chuyển tiền, nộp tiền trước.

+ Nên kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả thường sẽ bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Các tài khoản đăng tải thông tin nếu là tài khoản ảo, thông tin liên hệ không rõ ràng, không xác định được định danh thì khả năng cao đều lập ra với mục đích lừa đảo.

+ Chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền khi xác định chắc chắn định danh của người mình trao đổi và tuyệt đối không click vào những đường link lạ. Ngoài ra, người dân nên cập nhật kiến thức thường xuyên về các phương thức thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới mà các loại tội phạm thực hiện và nên lưu ý rằng các cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ không bao giờ gọi điện yêu cầu, hỗ trợ người dùng thực hiện các hướng dẫn trực tuyến trên mạng.

 

 


Tác giả: Võ Bình
Tin liên quan