Ngăn chặn hành vi “găm hàng” pháo nổ ngay từ những tháng đầu năm 2022
Nhiều năm qua lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng chức năng chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, các trục đường vào nội địa, nên nhiều đối tượng không thể thực hiện được trót lọt các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ trái phép. Chính vì vậy, ngay những tháng đầu năm 2022, một số đầu nậu đã thay đổi phương thức, tìm mọi cách vận chuyển pháo về nước để “găm hàng”, chờ thời điểm thích hợp bán ra thị trường”.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, ngay sau Tết Nguyên đán hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là trên các tuyến biên giới giáp Lào, Trung Quốc: ngày 20/02/2022 bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Công vận chuyển trái phép 71,8 kg pháo; ngày 28/02/2022, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Anh Đức tàng trữ trái phép 210 kg pháo; ngày 07/3/2022, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Hữu Quý vận chuyển trái phép 280 kg pháo. Thực tế cho thấy, việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng pháo nổ để lại không ít hậu quả nghiêm trọng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Đối tượng Nguyễn Hữu Quý bị lực lượng chức năng bắt giữ cùng tang vật 280kg pháo (Ảnh: Đình Tiến)
Xác định công tác đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ là một nhiệm vụ xuyên suốt, ngay từ những tháng đầu năm 2022 Giám đốc Công an tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản yêu cầu Công an các đơn vị quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, tập trung ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; đồng thời khẩn trương phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp hoàn thành việc xét xử công khai, lưu động các vụ án đã bắt giữ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 để tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông qua nhiều chương trình, đa dạng về hình thức để nhân dân, nhất là đối tượng học sinh sinh viên hiểu rõ và không tham gia tiếp tay, sử dụng các loại pháo không rõ nguồn gốc xuất xứ và bị pháp luật cấm.
Chú trọng thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; tổ chức rà soát, quản lý chặt chẽ tuyến, địa bàn, lập danh sách các đối tượng trong diện sưu tra, tiền án, tiền sự, biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về pháo; chỉ đạo, hướng dẫn và giao chỉ tiêu cụ thể cho hệ lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện đầu mối, xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, đối tượng hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép, nhất là trên các biên giới.
Tích cực đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ rà soát, phát hiện, bắt giữ các đối tượng mua bán, vận chuyển pháo trái phép trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính; ngăn chặn, gỡ bỏ các tài khoản mạng xã hội, đường dẫn, video vi phạm về pháo; phối hợp với các lực lượng tổ chức rà soát, đón, chọn, ngăn chặn, xử lý bưu phẩm, bưu kiện chứa pháo gửi qua đường bưu chính.
Riêng các huyện Sa Thầy, IaHD’Rai, Ngọc Hồi có biên giới giáp Lào, Campuchia cần chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội về pháo trên tuyến biên giới để có biện pháp đấu tranh, bắt giữ; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về pháo./.
Thanh Nga