Ngăn chặn hoạt động sử dụng chứng nhân nhân dân giả để làm thủ tục đề nghị cấp Hộ chiếu phổ thông
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhu cầu của người dân về việc xuất cảnh ra nước ngoài để học tập, lao động, thăm thân và du lịch có chiều hướng gia tăng. Trong quá trình cấp Hộ chiếu, đa số người dân đều chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng Hộ chiếu phổ thông. Tuy nhiên, do các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp Hộ chiếu phổ thông ngày càng đơn giản, thuận tiện, nên tình trạng sử dụng Chứng minh nhân dân giả hoặc sử dụng Chứng minh nhân dân của người khác để làm Hộ chiếu nhằm mục đích xuất nhập cảnh đang xuất hiện và có xu hướng gia tăng.
Công dân sử dụng Chứng minh nhân dân làm thủ tục đề nghị cấp Hộ chiếu phổ thông tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Kon Tum
Chỉ tính riêng trong năm 2016, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện 10 trường hợp sử dụng Chứng minh nhân dân giả làm thủ tục đề nghị cấp Hộ chiếu. Từ các mối quan hệ quen biết và với lý do lấy thông tin để làm hồ sơ cho công nhân, các đối tượng lừa gạt, thu gom, mượn Chứng minh của công dân khác trên địa bàn, từ đó thay đổi ảnh, thông tin và sử dụng Chứng minh nhân dân này làm thủ tục đề nghị cấp Hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.
Qua công tác xác minh, xử lý cho thấy: Đa số các trường hợp làm giả giấy tờ để xin cấp Hộ chiếu là người đã từng được cấp Hộ chiếu trước đó. Sau khi bị nước bạn trục xuất hoặc đóng dấu cấm nhập cảnh, họ tìm cách thay ảnh của mình vào Chứng minh nhân dân của người khác để xin cấp Hộ chiếu mang tên mới, sau đó sử dụng Hộ chiếu được cấp để tiếp tục nhập cảnh vào các nước đã cấm họ trước đây. Thủ đoạn thay ảnh, sửa đổi thông tin trên Chứng minh nhân dân rất tinh vi, mắt thường khó có thể phát hiện được. Tuy nhiên qua quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và đối chiếu thông tin với các phòng nghiệp vụ khác, các trường hợp này đều bị Phòng Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện và xử lý theo quy định.
Điều 267 Bộ Luật hình sự (BLHS) 2009 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm. Ngoài ra, đối với người cho mượn các giấy tờ để đi làm Hộ chiếu có thể phạm tội đồng phạm, vì đã biết rõ về hành vi của các đối tượng nhưng vẫn đồng ý cho mượn thì có thể xem xét là người giúp sức theo quy định tại điều 20 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 về đồng phạm và Điều 53 BLHS về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm.
Làm giả hoặc sử dụng Chứng minh nhân dân giả để làm thủ tục xin cấp Hộ chiếu phổ thông là hành vi vi phạm pháp luật và cần kiên quyết phải ngăn chặn. Để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng này, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý xuất nhập cảnh cũng như trong việc sử dụng Chứng minh nhân dân đúng mục đích là hết sức quan trọng.
Người dân cần phải cảnh giác khi người khác hỏi mượn Chứng minh nhân dân.
Đăng Nguyên – Phòng Quản lý xuất nhập cảnh