A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình an ninh mạng hiện nay và những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2022

Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu các cuộc tấn công mạng thuộc nhóm cao trên thế giới. Bên cạnh đó, mức độ sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh tại Việt Nam tăng đột biến do ảnh hưởng của COVID-19 và đây cũng chính là môi trường lý tưởng để virus bùng phát, lây lan mạnh.

Theo kết quả từ Chương trình đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân, do Tập đoàn Bkav thực hiện tháng 12/2021, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam tiếp tục ở mức rất cao, khoảng 24.400 tỷ đồng. Năm 2021, có 70,7 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus.

Theo các chuyên gia của Bkav, người sử dụng vẫn có thói quen dùng phần mềm không bản quyền, không được cập nhật thường xuyên, dẫn tới máy tính không được bảo vệ liên tục. “Chỉ khoảng 10% máy tính đang sử dụng tại Việt Nam được trang bị phần mềm diệt virus có khả năng tự động cập nhật và có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất. Một con số quá nhỏ để xây dựng được một hệ “miễn dịch cộng đồng”. Mỗi máy tính bị nhiễm mã độc là nguồn tiếp tục lây nhiễm virus cho các máy tính khác”, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc (Anti Malware) của Bkav cho biết.

Hầu hết các cuộc tấn công xảy ra trong năm qua đều có quy mô lớn, nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu. Cũng vì những ảnh hưởng vô cùng lớn của hình thức tấn công này mà các nhóm hacker đang dần chuyển mục đích tấn công từ tài chính sang chính trị. Nguồn lợi tài chính khổng lồ, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng… là những điều khiển tấn công chuỗi cung ứng sẽ vẫn là xu hướng tấn công phổ biến mà hacker hướng tới trong những năm tới.

Ảnh minh họa

Năm 2021 cũng là một năm đầy biến động của các loại tiền số (coin) và các loại hình kinh doanh liên quan đến tiền số (vốn hóa của các đồng tiền số đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD). Điều này kéo theo số lượng tấn công mã hóa dữ liệu đòi trả tiền chuộc bằng coin tăng mạnh. Hàng loạt vụ tấn công đã diễn ra, quy mô lên tới hàng triệu USD.

Tại Việt Nam, số lượt máy tính bị virus mã hoá dữ liệu tấn công trong năm 2021 lên tới hơn 2,5 triệu lượt, cao gấp 4,5 lần so với năm 2020. Đa số người sử dụng Việt Nam vẫn còn lúng túng, chưa biết cách ứng phó khi máy tính bị mã hoá dữ liệu. Hơn 99% người tham gia Chương trình đánh giá an ninh mạng 2021 của Bkav chọn làm theo hướng dẫn trả tiền với hy vọng lấy lại được dữ liệu của mình từ hacker. Cách làm này không những có thể không lấy lại được dữ liệu, mà còn mất tiền oan. Vì vậy, người sử dụng cần phòng vệ một cách chủ động, thiết lập các biện pháp bảo vệ an toàn cho dữ liệu, đặc biệt cần có cơ chế sao lưu dữ liệu định kỳ.

Ngay tại địa bàn tỉnh Kon Tum, trong năm 2021, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận hàng chục đơn trình báo lừa đảo trên không gian mạng với tổng số tiền bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Thủ đoạn phổ biến là các đối tượng sử dụng công nghệ cao để đánh cắp thông tin, mật khẩu tài khoản của nạn nhân rồi nhắn tin cho bạn bè trong danh sách kết bạn yêu cầu chuyển tiền giúp hoặc vay mượn, hoặc nạp thẻ điện thoại; hoặc quảng cáo trên mạng xã hội, yêu cầu người bị hại truy cập vào đường link giả mạo để chiếm đoạt tài sản…. Ngoài ra, nhiều đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội để kết bạn và tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, sở trường của nạn nhân…và hứa gửi quà về từ nước ngoài. Nhưng sau đó tiếp tục có một đối tượng khác giả danh là nhân viên hải quan thông báo cho nạn nhân có một thùng hàng từ nước ngoài về rất có giá trị nhưng không thông quan được và yêu cầu đóng phí. Tiêu biểu như vụ việc xảy ra vào tháng 3/2021, chị T (trú tại xã Đăk Năng, TP Kon Tum) đã vay mượn và chuyển khoản 14 lần vào tài khoản nhiều ngân hàng của các đối tượng khác nhau với tổng số tiền là 319.000.000 đồng.

Dự báo trong năm 2022, các cuộc tấn công bằng mã độc vẫn sẽ gia tăng, nếu người dùng không hành động sớm, quyết liệt, vấn đề bảo đảm an ninh trên các thiết bị IoT (Internet of Things) cần được quan tâm đúng mức khi triển khai trên diện rộng. Tấn công chuỗi cung ứng cũng tiếp tục là xu hướng và sẽ là mục tiêu “lý tưởng” của hacker trong năm tới. Ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng 75 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu. Càng ngày, mạng lưới kết nối giữa các thiết bị IoT càng trở lên rộng khắp với số lượng lớn người dùng khác nhau, khiến vấn đề an ninh trên các thiết bị này trở nên phức tạp.

Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đó là: Cơ bản hình thành được nền tảng chính quyền số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh như: Y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, tài nguyên và môi trường, công nghiệp, năng lượng… Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh chuyển đổi số như trên địa bàn tỉnh như: Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Công văn số 391/UBND-NC ngày 11/02/2022 về việc triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, bên cạnh những lợi ích mang lại cho nền kinh tế, xã hội, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…, thì vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trên không gian mạng sẽ là một thách thức mang tính sống còn đối với mọi tổ chức, cá nhân. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp chuyển đổi số về mặt kỹ thuật, một trong những nhiệm vụ quan trọng được trong chuyển đổi số là bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy sự phát triển KTXH trên môi trường số.

Để góp phần đảm bảo an ninh mạng trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ở cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp, các doanh nghiệp và người dân. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, chủ động phòng ngừa, hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi số.

Hai là, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số.  Xây dựng đội ngũ chuyên gia để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số; đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân, doanh nghiệp trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Mỗi người dân, doanh nghiệp cần tự mình nắm chắc các thủ đoạn tấn công mạng như đánh sập các website; cài gắm vào máy tính cá nhân hoặc lấy tài khoản và mật khẩu; đánh cắp dữ liệu cá nhân (hình ảnh, video); tấn công bằng mã độc (theo tệp đính kèm trong email hoặc ẩn trong quảng cáo Skype); tấn công ẩn danh bằng những phần mềm độc hại (phần mềm diệt virus, các trình duyệt); tấn công qua USB, đĩa CD… Qua đó, có biện pháp phù hợp để tự bảo vệ an toàn cho bản thân trên môi trường không gian mạng.

Đăng Ninh

 


Tin liên quan