A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Theo thông tin từ vtv.vn, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng như thuốc tiên, uống một lần là khỏi. Hàng loạt lương y tự xưng cũng xuất hiện trong các clip này với những mô típ quen thuộc như 3 đời nhà tôi chữa bệnh, chữa 1 lần là khỏi chứ không đỡ…. Tuy nhiên, khi phóng viên tiến hành điều tra thực tế, hầu hết những lương y này đều là giả mạo. Thậm chí những đường dây diễn viên đóng thế, vào vai bệnh nhân giả để lừa dối, trục lợi từ lòng tin của những người bênh thật cũng đã bị vạch trần.

Hình ảnh quảng cáo thực phẩm chức năng trong phóng sự của VTV (nguồn ảnh: vtv.vn)

Mặc dù, đã có nhiều quy định của pháp luật liên quan đến quảng cáo như: Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm, Nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo, Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo… Tuy nhiên, tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định vẫn còn xảy ra tương đối phổ biến, nhất là trên không gian mạng. Từ đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ to lớn với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dùng.

Do đó, để giải quyết tình trạng trên, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chuyên môn như Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra, các cơ quan liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là trên các nền tảng trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter…các nền tảng quảng cáo trên google ads như youtube, coccoc, chrome,…. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên lĩnh vực thông tin đại chúng, chỉ được quảng cáo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.

Đồng thời, cần tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh truyền thông để người dân không tham gia vào các clip, video quảng cáo sai tác dụng, công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh, chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng, khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải phải có nguồn gốc rõ ràng.

Hoàng Phúc