A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Trong thời đại công nghệ số, môi trường mạng là không gian quan trọng cho sự học tập, giao lưu và giải trí của trẻ em. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiểm họa cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt là vấn nạn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, hoạt động của đối tượng sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em; xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em qua mạng đang diễn biến rất phức tạp. Thủ đoạn phổ biến là thông qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục. Một số đối tượng thông qua mạng xã hội, làm quen, đặt vấn đề quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn cho tiền, quà để dụ dỗ, đe dọa, ép buộc trẻ em trình diễn khiêu dâm qua mạng. Một số trường hợp còn đăng tải lên không gian mạng các hình ảnh, clip trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường; các hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của trẻ em, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống riêng tư của trẻ. Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn thông qua mạng xã hội làm quen, “núp bóng” tuyển dụng để hẹn gặp gỡ, lôi kéo, khống chế, cưỡng ép đưa trẻ em đến các khu lao động bất hợp pháp tại nước ngoài để bóc lột lao động, bóc lột tình dục.

Ảnh minh họa

Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng không chỉ gây ra những tổn thương về thể xác mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và tâm lý của trẻ em. Trẻ em bị xâm hại có thể mắc phải các rối loạn về cảm xúc, hành vi và nhận thức như lo âu, ám ảnh, tự ti, tự kỷ, tự tử hoặc bạo lực. Bên cạnh đó, trẻ em bị xâm hại cũng có khả năng cao bị ảnh hưởng đến sự học tập, giao tiếp và hòa nhập xã hội.

Đây là một vấn nạn cần được chấm dứt ngay lập tức bởi nó vi phạm quyền con người và quyền của trẻ em. Theo khoản 1 Điều 37 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Điều 25 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2016 cũng quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”.

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần có sự phối hợp và đồng thuận của cả cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần ban hành và thực thi các chính sách, luật pháp và biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em trên mạng. Đồng thời, tăng cường tính năng đảm bảo an toàn và các công cụ mới để giúp cha mẹ và giáo viên có thể dạy cho con và học sinh sử dụng internet một cách an toàn. Cha mẹ cần xây dựng được mối quan hệ đồng hành với con, để con tin cậy và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Nhà trường cũng cần nâng cao nhận thức và kỹ năng cho học sinh về cách phòng tránh và ứng phó với các nguy cơ trên mạng. Từ đó, giúp trẻ em được giáo dục về quyền và trách nhiệm của mình khi sử dụng internet, biết tự bảo vệ bản thân và báo cáo cho người lớn khi gặp phải các tình huống nguy hiểm.


Tác giả: Hoàng Phúc