Nâng cao cảnh giác trước tội phạm mua bán, làm giả, sử dụng giấy tờ giả
Tình trạng mua bán, làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả hiện nay đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội, có những diễn biến phức tạp; thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Hiện nay, trên các trang mạng Internet, mạng xã hội xuất hiện ngập tràn dịch vụ nhận làm giả bằng cấp, tài liệu, giấy tờ giả các loại, các đối tượng triệt để lợi dụng sự tiện ích của mạng xã hội (facebook, zalo, telegram…), dịch vụ bưu chính, viễn thông, phương tiện giao thông, sự phát triển của khoa học công nghệ để quảng cáo, sản xuất, mua bán, vận chuyển giấy tờ giả... Các loại giấy tờ được làm giả ngày càng đa dạng, phổ biến như: giấy khám sức khoẻ, giấy phép lái xe, các loại văn bằng, chứng chỉ, thậm chí có cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ công chứng, vi bằng của cơ quan chức năng…
Trang facebook quảng cáo làm giả giấy tờ, tài liệu
Trong năm 2023 và 09 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện và điều tra 18 vụ/ 20 bị can có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức và thu giữ nhiều văn bằng, chứng chỉ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Căn cước công dân giả.
Nguyên nhân chủ yếu của loại tội phạm này xuất hiện ngày càng nhiều là do một số người dân có nhu cầu về giấy tờ, bằng cấp nhưng lại không muốn phải đi học, thi và cần có ngay, để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Tồn tại thực trạng người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có trình độ học vấn không cao hoặc không biết chữ nên không đủ khả năng học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe môtô nên có nhu cầu đặt mua giấy phép lái xe giả để đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông và đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông khi bị kiểm tra. Cá biệt có trường hợp người dân có trình độ nhận thức về xã hội và pháp luật chưa cao nên còn nhầm tưởng là đặt mua giấy phép lái xe thật để sử dụng.
Giấy phép lái xe giả thu được qua công tác điều tra
Nhiều người dân sử dụng bằng đại học giả, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học giả... để thi tuyển vào các công ty, cơ quan nhà nước hoặc cán bộ công chức, viên chức dùng để hợp thức hóa hồ sơ cá nhân để phục vụ công tác. Việc không có kiến thức chuyên môn, không có đạo đức có thể gây ra nhiều sai sót trong công việc, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.
Sổ hồng, Căn cước công dân các đối tượng dùng để lừa đảo
Ngoài ra, các đối tượng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng), Căn cước công dân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vay tiền trên các ứng dụng online, đánh bạc, rửa tiền, …. Hậu quả của các hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT.
Nếu người có hành vi sử dụng, làm giả giấy tờ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Đối với hành vi sử dụng thẻ Căn cước công dân giả thì căn cứ theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Ngoài ra:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân;
+ Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
Người sử dụng bằng lái giả bị phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng bằng lái xe giả điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng bằng lái xe giả điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người sử dụng bằng lái xe giả điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Việc mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà còn vi phạm và bị xử lý về hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, trường hợp sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu mức cao nhất là 7 năm tù.
Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả. Nếu phát hiện có hành vi sử dụng, mua bán giấy tờ, bằng cấp giả cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.