A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với các “link độc” trên mạng xã hội

Trong thời gian gần đây, các đối tượng xấu đã tăng cường rải các “link độc” trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook để nhằm chiếm đoạt tài khoản người dùng. Vì vậy, mọi người không click vào các link lạ và cung cấp bất kỳ thông tin gì như thông tin cá nhân, mã OTP… và thoát ra ngay khỏi link đó để tránh bị đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Theo Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử về vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác;

b) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;

c) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;

d) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;

đ) Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Tài khoản facebook là miếng mồi ngon mà các hacker mũ đen ưa thích

Nếu đã lỡ click vào các “link độc” trên mạng xã hội thì mọi người tuyệt đối không làm theo các thao tác cài đặt theo yêu cầu, không cung cấp mã OTP, thông tin cá nhân, không đồng ý bất kỳ điều gì, hãy nhanh chóng thoát ra khỏi trang đó.

Một số cách nhận biết để phòng tránh “link độc”:

– Những đường link bên dưới bình luận các Fanpage: Đây là một trong những hình thức rải “link độc” phổ biến nhất hiện nay. Nếu loại trừ đi những trường hợp những người bán hàng online muốn tăng lượt xem hoặc tăng tương tác thì những liên kết bên dưới những bình luận của Fanpage giải trí đa phần đều chứa mã độc.

– Những liên kết có đuôi không phổ biến, tên miền lạ: Nếu gặp những website có đuôi tên miền không phổ biến, các tên miền lạ hoặc những website có tên miền loằng nhoằng… thì tốt nhất các bạn không nên click vào. Bởi vì đa phần các tên miền này đều miễn phí, sever đặt ở nước ngoài nên sẽ được nhiều đối tượng lừa đảo lựa chọn.

– Các liên kết chứa những nội dung nhạy cảm: Đây là hình thức phổ biến nhất mà các hacker muốn rải virus vào thiết bị của bạn. Những website có nội dung nhạy cảm thường là website chiếu phim với nội dung người lớn, phim 18+… Các đường link này cũng thường được thấy ở trên các hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội. Do vậy, không truy cập vào những website có nội dung nhạy cảm cũng là cách tránh bị dính virus vào điện thoại, máy tính cá nhân của bạn.

– Những đường link tự động điều hướng: Nếu bạn vào một website, hoặc đường link nào đó mà bị tự động điều hướng sang một website khác hoặc bị tự động điều hướng tải xuống phần mềm lạ hoặc không tự mình kiểm soát được trên thiết bị của bạn… thì tốt nhất, hãy thoát ra khỏi website đó nhanh nhất có thể để tránh bị dính virus.

Trên đây là một số cách nhận biết để phòng tránh các “link độc” trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook để lưu ý mọi người cẩn thận hơn trong quá trình sử dụng mạng xã hội, tránh thiệt hại về dữ liệu, thông tin và tài sản của bản thân.

Tấn Bình