A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng thuốc nổ trong công tác chữa cháy

 

Trước khi đề cập đến vấn đề ứng dụng của thuốc nổ dùng trong công tác chữa cháy thì phần lớn nhiều người nghĩ rằng:

Thuốc nổ chỉ được dùng chủ yếu trong lĩnh vực quân sự và một số ngành công nghiệp như: Khai thác khoáng sản, khai thác đá…

Thuốc nổ là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ kinh hoàng, thảm khốc, tỉ lệ gây sát thương cao, tỉ lệ tử vong lớn, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như: Vụ nổ kho pháo hoa ở nhà máy Z121 (Huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) năm 2013 làm chết 26 người hay vụ nổ kinh hoàng xảy ra rạng sáng 24/2/2013 tại nhà ông Lê Minh Phương (Phương khói lửa) tại thành phố Hồ Chí Minh đã cướp đi sinh mạng của 6 thành viên trong gia đình và làm 5 nạn nhân khác là hàng xóm tử nạn. Ba căn nhà sụp hoàn toàn, ước tính thiệt hại lên hàng tỷ đồng… 

Từ những dẫn chứng trên ta có thể hình dung được sự tàn phá kinh khủng của thuốc nổ nếu trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sản xuất và sử dụng không đúng quy trình, quy định hoặc vi phạm các quy định Pháp luật của Nhà nước về quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. 

alt 

Tuy nhiên, có thể nói rằng đó là những suy nghĩ đúng, song còn chưa đầy đủ. Bởi lẽ bên cạnh những đặc điểm, tính chất, tác hại như chúng ta vẫn thường nghĩ thì thuốc nổ còn có những giá trị ứng dụng hữu ích mà ít người biết đến. Một trong những ứng dụng mà nhiều người chưa biết đến đó chính là việc sử dụng thuốc nổ – như một yếu tố hữu hiệu trong công tác chữa cháy. Điều này nghe có vẻ không hợp lý trong suy nghĩ của nhiều người. Song nó hoàn toàn có cơ sở cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Trong bài viết này tác giả sẽ đề cập đến vấn đề thuốc nổ được ứng dụng trong công tác chữa cháy ở trong nước cũng như ở một số quốc gia điển hình trên thế giới. Thông qua đó, giúp mọi người nhìn nhận đúng hơn về vai trò, công dụng của thuốc nổ, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng thuốc nổ có tính định hướng, chặt chẽ, khoa học, cấp thiết, an toàn vào một số tình huống cụ thể trong công tác chữa cháy ở Việt Nam hiện nay.

Như vậy, việc sử dụng thuốc nổ để chữa cháy trên thực tế đã được áp dụng trong thời gian gần đây ở một số vụ cháy điển hình như là một loại hóa chất đặc biệt để chữa cháy. Cụ thể là sau cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất 1991, các lực lượng liên quân đã sử dụng thuốc nổ BB cho nổ trên miệng giếng phun để dập tắt hơn 4.000 giếng dầu đang cháy ở Cô-oét (Kuwait).

Lực lượng PCCC của Nga hiện đang dùng một loại pháo mặt đất bắn đạn trái phá có chứa bột dập cháy để chữa các đám cháy rừng Taiga hoặc lực lượng PCCC của Mỹ đang sử dụng bom bột, bom nước chở bằng máy bay để chữa cháy.

Ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan đã chế tạo một số loại trái nổ chữa cháy có khối lượng 01 kg hoạt động trên nguyên tắc tự động kích hoạt khi có nhiệt độ cao tác động (thường > 8000C). Tuy nhiên vì lý do an toàn nên các nhà chế tạo chỉ chế tạo loại trái nổ có lượng thuốc nổ và hóa chất chữa cháy nhỏ nên công năng chữa cháy kém, chỉ có tác dụng đối với các đám cháy nhỏ trong phòng kín, không có khả năng chữa cháy các đám cháy lớn. Bên cạnh đó, những loại trái nổ này chỉ hoạt động tốt trong khoảng thời gian 01 năm, sau đó do tác động của môi trường khả năng kích hoạt kém, tỷ lệ lép cao.

Ở Việt Nam, trong vụ cháy mỏ than Ngọc Kinh ở Đà Nẵng, các cán bộ ở Cục Cảnh sát PCCC cũng đã sử dụng chất Napal đốt trong hầm lò để chữa cháy và kết quả chữa cháy thật mỹ mãn, dập được đám cháy, giữ được hầm lò gần nguyên vẹn, hiệu quả cao gấp hàng trăm lần chữa cháy bằng nước.

 Từ những vụ việc trên chúng ta có thể nhận thấy rằng, thuốc nổ có vai trò, công dụng rất lớn trong công tác chữa cháy. Tuy nhiên, hiện tại trong và ngoài nước vẫn chưa có đề tài nghiên cứu về việc dùng thuốc nổ để chế tạo loại trái nổ định hướng, hay phương tiện phóng có đầu nổ lõm để phóng chất chữa cháy.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho chúng ta hiện nay là cần có những công trình nghiên cứu ứng dụng cụ thể của thuốc nổ trong công tác chữa cháy trên cơ sở xem xét thực tế, xem xét các loại thuốc nổ thông dụng hiện đại, loại thuốc nổ nào phù hợp để sử dụng an toàn, không độc, tính sát thương nhỏ, phạm vi chữa cháy rộng, hiệu quả, dễ bảo quản, khi sử dụng xong thì dễ nạp lại và đặc biệt phải có sức tống mạnh để đẩy chất chữa cháy ra ngoài. Thông qua bài viết này, hi vọng sẽ gợi mở những ý tưởng mới về nghiên cứu ứng dụng thuốc nổ trong công tác chữa cháy, để từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chữa cháy trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, của toàn xã hội.

                                  Nguyễn Văn Ngọ (phòng CS PCCC&CNCH)