A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số trong đăng ký cư trú

Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy và tích hợp các thông tin trong một loại giấy tờ số duy nhất được xem là bước tiến lớn trong công tác quản lý hộ tịch, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia và quan trọng nhất là hướng đến lợi ích cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, chỉ cần trong tay có một chiếc điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử có kết nối Internet, công dân ở bất cứ nơi nào cũng có thể thực hiện các thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng... thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhằm cung cấp trên hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến về cư trú thuận lợi, đem lại hiệu quả cao, Công an tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình xử lý hồ sơ cho lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Công an các huyện, thành phố và Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Và để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với việc sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội về những tiện ích của dịch vụ công trực tuyến. Thông qua đó người dân đều nắm vững các quy định, các bước thực hiện sao cho chính xác, hiệu quả nhất.

Ảnh: Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Tính từ ngày 01/01/2023 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 20.741 hồ sơ trực tuyến trên lĩnh vực cư trú (trong đó có 14.848 hồ sơ đăng ký thường trú, 1.260 hồ sơ đăng ký tạm trú và 08 hồ sơ khai báo tạm vắng, 4.625 hồ sơ thông báo lưu trú).

Cùng với đó lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tập trung rà soát tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn để hướng dẫn cho chủ các cơ sở biết các bước đăng ký lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến hoặc là qua phần mềm VNeID, hướng dẫn cho người dân là cài đặt phần mềm VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Ở cơ sở, lực lượng Công an cấp xã chủ động hướng dẫn công dân đăng ký tài khoản và thực hiện các thao tác đăng ký cư trú online đối với trường hợp công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan Công an. Ngoài ra, khi công dân có nhu cầu đăng ký cư trú, có thể truy cập vào địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn. Trường hợp công dân chưa có tài khoản, có thể đăng ký tại Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https:// dichvucong.gov.vn với các thao tác: nhập họ tên; ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và số điện thoại di động đang dùng để nhận mã OTP xác nhận. Các thủ tục đăng ký cư trú được cung cấp trên cổng dịch vụ công gồm: Đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú…

Ảnh: địa chỉ https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn

Với thủ tục đơn giản, thuận lợi, việc cung cấp các dịch vụ công về cư trú trên trên hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân dư là một trong các biện pháp góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân dễ tiếp cận và sử dụng, tiết kiệm chi phí, thời gian, đồng thời đảm bảo tính liên thông, công khai, minh bạch thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua các ứng dụng này, người dân có thể thực hiện trên điện thoại di động và các thiết bị có kết nối internet ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời gian nào.

Thực tế cho thấy việc đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Nếu như trước đây, liên quan đến việc đăng ký thường trú, tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ, khai báo tạm vắng... thì công dân mang hồ sơ, thủ tục liên quan đến cơ quan Công an để đăng ký. Hiện nay, công dân có thể đăng ký qua Cổng dịch vụ công trực tuyến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú. Ngoài tiết kiệm thời gian đi lại, giảm chi phí thì người dân còn khai thác dữ liệu thông tin cá nhân trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, kịp thời điều chỉnh, bổ sung đảm bảo thông tin được chính xác phục vụ các giao dịch có liên quan và theo dõi được tiến độ giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước.

Với quyết tâm và những nỗ lực không biết mệt mỏi của lực lượng Công an các cấp, sau 01 năm thực hiện Đề án 06, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt, tiên phong, những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 ở Kon Tum đã được triển khai cơ bản đúng tiến độ, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.

Công an tỉnh đã triển khai 11/11 dịch vụ công do Bộ Công an chủ trì. Trong đó, một số dịch vụ công đã triển khai đạt được những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ như: đăng ký tạm trú; cấp hộ chiếu phổ thông online; đăng ký, cấp biển số môtô, xe máy tại cấp xã... Người dân và doanh nghiệp bước đầu được thụ hưởng những thành quả nhất định: Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được ứng dụng vào thực hiện những nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là thực hiện nhiều dịch vụ công thiết yếu, giúp quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm và đạt hiệu quả nhiều mặt.

 

 


Tác giả: Kiều Trinh
Tin liên quan