A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Kon Tum; một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai trong thời gian tới

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06/CP). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính  phủ, Tổ Công tác Đề án 06/CP của Trung ương; xác định rõ ý nghĩa, tầm quan  trọng của Đề án 06/CP trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án 06/CP theo yêu cầu đề ra, chủ động ban hành nhiều Kế hoạch, Công văn để cụ thể hóa, phân công, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

 

 

Ảnh. Lực lượng Công an tỉnh tích cực thu nhận Căn cước công dân, phục vụ công tác chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn

Công tác triển khai có sự đồng bộ, toàn diện, thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp, các ngành, trong  đó Tổ Công tác Đề án 06/CP được thành lập đến 100% Tổ dân phố, thôn, làng trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu tích cực triển khai tạo được dư luận đồng tình, ủng hộ đánh giá cao. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã phát huy hiệu quả, đem lại những tiện ích cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án 06/CP còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: 

Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ, một phần giao diện có nhiều thay đổi, điều chỉnh; bộ phận công dân chưa thay đổi thói quen làm việc trên môi trường điện tử, khả năng hạn chế trong tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin; tâm lý chưa an tâm về tính an toàn, bảo mật của các giấy tờ khi thực hiện dịch vụ công; quá trình, thao tác thực hiện có nhiều vướng mắc, bất cập, đính kèm file lên hệ thống còn chậm, giới hạn về dung lượng; thời gian đồng bộ thông tin giữa Cổng dịch vụ công quốc gia với phần mềm chuyên ngành của các đơn vị, địa phương còn chậm…

Hiện nay, 11/25 dịch vụ công của Bộ Công an đã được triển khai, hướng dẫn thực hiện tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công; tuy nhiên, đến nay trên địa bàn chưa phát sinh hồ sơ dịch vụ công về thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, người dân vẫn tới trụ sở để nộp hồ sơ trực tiếp.

Hiện nay, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh để kết nối trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cần phải khắc phục các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật trước khi kết nối vào Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Hạ tầng, cơ sở vật chất, tốc độ đường truyền chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, gián đoạn, nhất là thời điểm có nhiều người dân cùng thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Nhiều nội dung của Đề án 06/CP mang nhiều nét mới, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số nên một số đơn vị, địa phương đôi lúc gặp bị động, lúng túng trong triển khai thực hiện, còn phụ thuộc vào hướng dẫn triển khai thực hiện của Trung ương, chưa xác định đúng vai trò, trách nhiệm trong tham mưu tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP.

Ảnh. Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện dịch vụ công, niêm yết các thủ tục hành chính tại trụ sở tiếp dân

Công tác tuyên truyền về Đề án 06/CP, nhất là 05 nhóm tiện ích của Đề án chưa tốt; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa địa phương với Trung ương còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng để kịp thời nắm bắt tiến độ, yêu cầu của Trung ương.

Quá trình thực hiện xác thực, đối sánh thông tin công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho những tiện ích, lợi ích của công dân gặp bất cập nên ảnh hưởng tiến độ xử lý, giải quyết công việc như: Bảo hiểm xã hội tỉnh khi xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gặp trường hợp số định danh không tồn tại trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc thông tin không chính xác (họ và tên, năm sinh, giới tính); thực hiện thí điểm sử dụng Căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh nhưng khi quét thông tin trên thẻ Căn cước công dân xảy ra lỗi font chữ hoặc không có thông tin; dữ liệu Bộ Tư pháp chưa đồng bộ với dữ liệu Cơ sở quốc gia về dân cư khi công dân khi thay đổi, cải chính hộ tịch… 

Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06/CP, trong thời gian đến, các cấp, ban ngành, đoàn thể tỉnh tập trung thực  hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền với các hình thức tuyên
truyền phong phú, đa dạng, vận dụng sáng tạo, linh hoạt
, chú trọng những tiện ích khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cách thức tạo lập tài khoản sử dụng dịch vụ công, 05 nhóm tiện ích của Đề án 06/CP, nhiệm vụ và giải pháp của các Bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp lựa chọn tối đa việc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân dễ nắm bắt, tiếp cận, tích cực tham gia tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, cụ thể như: Về đối tượng: tập trung vào đối tượng dễ tiếp cận với công nghệ số như: học sinh, giáo viên, cán bộ, công dân làm việc trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, ngân hàng…; Về nội dung: tập trung vào những tiện ích của các dịch vụ công trực tuyến mang lại, ứng dụng VNeID…; tuyên truyền trên các trang mạng, ứng dụng mạng xã hội như Zalo, facebook; Thành lập các group trên Zalo, facebook để chia sẻ kinh nghiệm, loan tỏa nhanh các nội dung, định hướng đối tượng tuyên truyền...

Vận động có hiệu quả sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để bố trí các điểm truy cập Internet miễn phí đặt tại các khu vực phù hợp như: Bộ phận một cửa cấp xã; nhà văn hóa các thôn, làng, tổ dân phố, bưu điện để phục vụ người dân tiếp cận, truy cập, đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, cần bố trí lực lượng đoàn viên, hội viên tại các điểm truy cập Internet miễn phí để tuyên truyền, hướng dẫn công dân đăng ký tài khoản, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và yêu cầu các nhà mạng, doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Mobifone, Vinafone…) bố trí nhân lực hỗ trợ công dân đăng ký thuê bao đi động chính chủ và đăng ký tài khoản dịch vụ công.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham mưu, triển khai  thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, đào tạo kiến thức nghiệp vụ chuyên  ngành, trình độ, khả năng am hiểu về công nghệ thông tin và thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu đáp ứng yêu cầu công tác. 

Ba là, tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ thực hiện Đề án, có giải pháp đầu tư bảo đảm an ninh, an toàn thông tin thực hiện hiệu quả quá  trình vận hành, giải quyết và lưu trữ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công. Đối với việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện, nhất là dịch vụ công; nâng cao tính chủ động của các Sở, ngành, địa phương trong lập dự toán  kinh phí, đồng thời trao đổi cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của đơn vị, địa phương trình Sở Tài chính tỉnh thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo phân cấp. 

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thu nhận Căn cước công dân gắn chíp, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn, từng đơn vị, địa phương tập trung số hóa hồ sơ, làm sạch dữ liệu chuyên ngành, đánh giá hệ thống để được tích hợp, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công cũng như các tiện ích khác. 

Năm là, tiếp tục phân công, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của từng sở, ngành, địa phương trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện Đề án 06/CP; thành lập Tổ Công tác Đề án 06/CP ở cấp cơ sở cần linh hoạt bố trí con người phù hợp để phát huy hiệu quả vai trò của các Tổ Công tác này.

Sáu là, phải có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở
(thôn/làng/tổ dân phố), sự huy động vào cuộc của các hệ thống chính trị cùng chuyển động,
đặt biệt là vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành, UBND 03 cấp trong chỉ đạo, cụ thể hóa các nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương; vai trò tham mưu của các ngành trọng yếu, then chốt như: Văn phòng UBND, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông trong theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; thường xuyên quán triệt, thống nhất về nhận thức và hành động đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… trong toàn tỉnh luôn gương mẫu tiên phong đi đầu, tích cực tham gia vào các nhiệm vụ và tuyên truyền vận động, hướng dẫn người thân, gia đình và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến./.

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan