A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định mới về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015

 

Từ ngày 01/12/2015, Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam” có hiệu lực thi hành. Nghị định 94/2015/NĐ-CP gồm 02 Điều, 12 khoản; sửa đổi, bổ sung một số điều về các loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; về thời hạn của các loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; về đối tượng, thủ tục cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ…

 

Trẻ em dưới 9 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông

của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó


Về các loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh, Nghị định 94/2015/NĐ-CP nêu rõ: “giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh được cấp riêng cho từng công dân” [khoản 2, Điều 1].

Riêng về hộ chiếu cho trẻ em, Nghị định 94/2015/NĐ-CP quy định: “hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn” [khoản 2, Điều 1]. Như vậy, trường hợp này hộ chiếu không bị giới hạn đến khi trẻ em đó đủ 14 tuổi như theo quy định cũ. “Trẻ em dưới 9 tuổi (quy định cũ là 14 tuổi) được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó. Trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn” [khoản 2, Điều 1]. 

Nghị định 94/2015/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: “hộ chiếu ngoại giao cấp cho con dưới 18 tuổi của những người thuộc diện quy định tại khoản 10, Điều 6, Nghị định này và hộ chiếu công vụ cấp cho con dưới 18 tuổi của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài, quy định tại khoản 4, Điều 7 của Nghị định này, có thời hạn từ 1 đến 5 năm tính từ ngày cấp cho đến khi người con đó đủ 18 tuổi và không được gia hạn” [khoản 2, Điều 1].

Về thời hạn của các loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh, thay vì quy định: “việc gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phải thực hiện trước khi hộ chiếu hết hạn ít nhất 30 ngày” thì Nghị định 94/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung: “hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới” [khoản 1, Điều 1].

“Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới” [khoản 1, Điều 1].

Thời hạn hộ chiếu thuyền viên cũng được tăng từ 5 năm lên 10 năm. Cụ thể: “hộ chiếu thuyền viên có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu thuyền viên còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới” [khoản 1, Điều 1], trước đây là được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm.

– Ngoài các quy định trên, tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 – Điều 1, Nghị định 94/2015/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung về đối tượng và hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ. Tại các khoản 6, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 sửa đổi, bổ sung về cách thức nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; về hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông cho trẻ em dưới 14 tuổi đang ở nước ngoài; về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và về cơ quan có thẩm quyền cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức quản lý ra nước ngoài.

Nghị định 94/2015/NĐ-CP ra đời đã kịp thời sửa đổi, bổ sung những thiếu sót nảy sinh trong quá trình thực hiện các quy định tại Nghị định 136/2007/NĐ-CP, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam.


Đăng Nguyên (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh)