A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện về những người thầy không giáo án

Dù không có ngày nào đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng nhưng Ban giám thị và những cán bộ quản giáo luôn làm việc thật sự như những giáo viên, bởi cuộc sống và công việc của họ hằng ngày gắn với những “học trò đặc biệt”.

Trang giáo án là tấm lòng nhân ái

Trong sự nghiệp giáo dục, những người thầy là ngọn đuốc dẫn đường đưa chúng ta đến bến bờ của tương lai. Có những người thầy say mê trên bục giảng và có cả những người thầy “đặc biệt” cống hiến tận tâm, tận lực sau song sắt của cánh cổng trại giam. Họ là những người thầy không bụi phấn, những người thầy vinh dự được mang trên mình bộ quân phục CAND, đang hằng ngày gieo màu xanh của niềm tin và hi vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những người trò từng lầm đường lạc bước. Đó là câu chuyện về những “người thầy đặc biệt” công tác tại Trại giam, Trại tạm giam của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố.

A picture containing indoor, person  Description automatically generated

Cán bộ quản giáo hướng dẫn, dạy nghề cho phạm nhân

Trực tiếp quản lý, giáo dục những phạm nhân với đủ mọi tội danh và mức án khác nhau nên môi trường làm việc của những cán bộ quản giáo luôn có nhiều cam go, thử thách. Họ không chỉ là người thực thi pháp luật mà còn là người thầy dạy nhân, nghĩa, truyền nghề và giáo dục, định hướng cho những phạm nhân tìm lối hoàn lương. Họ chính là những người gieo mầm thiện. Công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là quản lý, giam giữ phạm nhân mà nhiệm vụ quan trọng hơn đó là giáo dục, cảm hóa, làm thức tỉnh lương tâm, giúp phạm nhân tìm lại được những suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động sớm được trở về với gia đình và xã hội. Dù không có ngày nào đứng trên bục giảng nhưng Ban giám thị và những cán bộ quản giáo luôn làm việc như những nhà giáo bởi cuộc sống và công việc của họ hằng ngày gắn với những “học trò” đặc biệt. Để có biện pháp giáo dục thích hợp với mỗi phạm nhân khi vào trại, các cán bộ quản giáo vừa tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa đảm bảo chế độ cho phạm nhân; đồng thời phải tiếp xúc, tìm hiểu kỹ hồ sơ, lý lịch của từng phạm nhân, quan sát họ từ những biểu hiện nhỏ nhất để nắm bắt tâm lý, nhằm có những biện pháp giáo dục phù hợp. Có lẽ bởi vậy, mà ai đó đã viết nên những vần thơ, rằng:

“Người quản giáo, một người thầy bản lĩnh

Tóc bạc dần dù không bụi phấn bay

Trang giáo án là tấm lòng nhân ái

Trò học xong không quay lại nơi này!”

(Thơ sưu tầm)

Với những người phạm tội mới bị đưa vào trại thường rất hoang mang và lo sợ, việc trấn an tinh thần cho họ là điều rất cần thiết. Nhưng để làm được điều đó cán bộ quản giáo phải có đạo đức và luôn gần gũi, động viên để nghi can, phạm nhân phấn chấn tinh thần, chấp hành nội quy của nơi giam giữ. Có những người sau khi được cải tạo ra khỏi trại trở về địa phương sinh sống nhưng hằng năm vẫn quay lại cảm ơn lực lượng quản giáo vì đã giúp họ làm lại cuộc đời. Nhiệm vụ cảm hóa phạm nhân trở thành con người lương thiện không chỉ là việc của ngày một ngày hai. Mặt khác, không phải chỉ bằng một biện pháp chung là có thể mang lại hiệu quả đối với tất cả phạm nhân, mà ở đó còn có sự bền bỉ, quyết tâm của những cán bộ chiến sỹ làm công tác quản giáo. Những công việc thầm lặng, không tên, bằng tình thương, lương tâm và trách nhiệm của những cán bộ quản giáo đã đánh thức mầm thiện trong những con người tưởng chừng như không thể cải tạo nổi.

Là một cán bộ trưởng thành từ khoa An ninh điều tra – Trường Đại học An ninh nhân dân, tôi đã có nhiều dịp được tham gia các buổi ngoại khóa, thực tế do nhà trường tổ chức tại các trại giam, trại tam giam của Bộ Công an và các tỉnh, thành phố. Qua những buổi ngoại khóa, tôi nhận thầy rằng, công tác giáo dục, cải tạo can, phạm nhân là cả một hành trình dài… Có tận mắt chứng kiến mới thấy khó khăn, vất vả đến nhường nào. Hình ảnh tôi không thể nào quên được, là khi trực tiếp thấy những cán bộ quản giáo bón từng thìa cháo, ngụm nước và chăm sóc phạm nhân như những người thân, mặc dù họ là những con người đang mang trong mình những căn bệnh xã hội như HIV/AIDS, viên gan B, lao… Và cũng không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh người cán bộ quản giáo trẻ, miệt mài cầm tay của một phạm nhân bằng tuổi bố mẹ của mình để điều chỉnh cho đường may đều hơn, đẹp  hơn, lúc này dường như tất cả đều không có khoảng cách…

Ngoài những giờ học tập, lao động là những lời trò chuyện thân mật, gần gũi và cũng rất tình người giữa người cán bộ với những phạm nhân. Bên cạnh đó, họ thường xuyên quan tâm, động viên và chia sẻ với những trường hợp phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau… bảo đảm đúng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phạm nhân; tạo môi trường thuận lợi để phạm nhân cải tạo tốt.

“Anh kể tôi nghe chuyện đời người quản giáo
Có đôi khi thấy mình như “khoác áo” phạm nhân
Là những lúc mình với họ như người thân
Là như thế để cảm thông phận đời người đen trắng”

(Thơ sưu tầm)

  Tìm ánh sáng bằng niềm tin phục thiện

Công tác quản lý, giáo dục phạm nhân là một công việc rất đặc biệt, bởi không chỉ thực hiện công tác chuyên môn dựa trên những quy định của pháp luật, người cán bộ quản giáo còn như người thầy gieo những điều thiện cho những mảnh đời lầm lỗi tìm lối hoàn lương. Bằng lòng nhân ái và sự bao dung của người cán bộ quản đã giúp cho các phạm nhân cải tạo tốt để làm lại cuộc đời.

“Ta lặng lẽ bên ngoài song cửa sắt

Phía trong kia không kho báu ngọc ngà

Là tội ác những mảnh đời lầm lỗi

Theo tháng năm dài gắn cuộc đời ta

Ta dốc hết sức thanh xuân tuổi trẻ

Dùng đạo nghĩa để chỉ lối, soi đường…”

(Thơ sưu tầm)

Phía sau song sắt, bên trong tấm áo đặc thù của phạm nhân là những con người mang một số phận, một tính cách riêng. Có trường hợp phạm tội do vô tình, hoặc vì một phút nông nổi, bồng bột, song cũng có không ít đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, hung hãn, xảo quyệt, tàn ác, có nhiều tiền án, tiền sự… Trình độ nhận thức của các phạm nhân và tâm lý khi vào trại khác nhau. Có người sợ hãi, có kẻ bất cần và cùng với đó là những hành vi hết sức phức tạp. Mỗi phạm nhân là một thân phận, một câu chuyện cuộc đời với những đắng cay, thăng trầm, cho đến những bi kịch về một thời lầm lỡ. Vì thế mỗi cán bộ trại giam ngoài việc là người giáo viên truyền tải kiến thức, kĩ năng sống mà còn là những “bác sĩ” điều trị căn bệnh về tinh thần, tâm hồn. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ  làm công tác quản giáo luôn nêu cao tinh thần tận tuỵ với công việc, yêu ngành, yêu nghề, luôn phải nâng cao trình độ chuyên môn, đưa ra những phương thức phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn khác nhau theo phương châm: giáo dục, thuyết phục, cảm hoá kết hợp với giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật, giáo dục công dân, gắn với đào tạo nghề; ngoài ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao…giúp phạm nhân giải tỏa tâm lý, thoải mái trong quá trình học tập, cải tạo. Hàng năm được chứng kiến những phạm nhân tiến bộ, được trở về với đời thường lương thiện là niềm vui lớn nhất động viên  anh em làm công tác quản giáo ngày càng nỗ lực phấn đấu vươn lên để gieo thêm nhiều “mầm” thiện ở trong mỗi còn người đã có một thời lầm lỗi.

Bên cạnh việc giáo dục về mặt tư tưởng, cán bộ quản giáo đã hướng dẫn, dạy nghề, tổ chức cho các phạm nhân lao động trồng trọt, tăng gia sản xuất… Qua đó, giúp họ thấy được giá trị đích thực của lao động, nhanh chóng ổn định tư tưởng, chăm chỉ lao động, cải tạo và tiến bộ, nhiều phạm nhân khi hết thời gian chấp hành hình phạt tù đã hướng thiện, làm lại cuộc đời và thành công trong cuộc sống.

Phạm nhân đang chấp hành án tại Phân trại quản lý phạm nhân được Trại tạo mọi điều kiện sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, là nguồn động viên kịp thời để họ quyết tâm phấn đấu sớm trở về cộng đồng (Nguồn: Công an tỉnh Kon Tum)

Hàng ngày sát cánh, âm thầm thắp sáng niềm hy vọng cho phạm nhân, các cán bộ quản giáo tin rằng: Sự đền đáp cho công sức của họ chính là những con người lầm lỡ được trở về với nẻo thiện, và họ mong rằng những người bước qua cánh cổng trại tạm giam không quay trở lại nơi này vì một lỗi lầm nào nữa. Để rồi khi vô tình gặp lại nhau, một nụ cười, một lời chào, hay một câu hỏi thăm cũng sẽ trở thành động lực để những người cán bộ quản giáo vững tin hơn trên con đường mình đã và đang bước tiếp.

Và một điều khong thể phủ nhận rằng, trên hành trình về con đường lương thiện của những người đã từng một thời lầm lỗi, luôn có sự quan tâm giáo dục, động viên, hướng dẫn của các cán bộ quản giáo. Với sự cố gắng xây dựng môi trường học tập, giáo dục, lao động, dạy nghề, cải tạo đổi mới phát triển, nghiêm minh, nhân văn, tình thương, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo ban Giám thị, hội đồng cán bộ ở Trại giam. Nhờ đó, các phạm nhân luôn cố gắng cải tạo, học tập, rèn luyện thật tốt để được sự khoan hồng của pháp luật được giảm án được trở về đời, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Như lời của một cán bộ quản giáo đã từng chia sẻ với tôi, rằng: “Làm cán bộ quản giáo, nếu chỉ có tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ thì vẫn chưa đủ. Nếu không có cái tâm, không có lòng nhiệt huyết và tình người thì có lẽ không làm nổi. Bởi quản lý giáo dục phạm nhân là một nghề đặc thù và mang đầy tính nhân văn. Con người ta chỉ thực sự được cảm hóa bởi tình thương và lòng nhân ái.”

Lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, với nhiều việc làm giàu ý nghĩa nhân văn, những người thầy không phấn trắng trong lực lượng CAND không chỉ là người thực thi pháp luật mà còn là người khơi dậy mầm thiện cho can phạm nhân tìm lối hoàn lương. Nhân dịp ngày 20/11, xin gửi lời chúc thân thương nhất đến những người đồng chí, đồng đội của tôi – những cán bộ, chiến sỹ đã và đang làm công tác quản giáo lời chức sức khỏe, hạnh phúc, luôn giữ vững tình cảm yêu nghề; giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp: Làm việc tận tâm, tận lực; không ngừng trau dồi, học hỏi, nâng cao năng lực và sẵn sàng cách tân, đổi mới sáng tạo phương pháp trong quản lý, giáo dục, cảm hóa phạm nhân.

Hoài Nhung


Tin liên quan