A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có những điểm mới nào?

Còn ít ngày nữa, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ chính thức diễn ra. Cuộc bầu cử lần này có những điểm mới nổi bật so với các kỳ bầu cử trước thể hiện rõ nét ở ba điểm về công tác chuẩn bị, nhân sự và bối cảnh tổ chức khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp.

C:\Users\Administrator\Desktop\a4.JPG

Thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch khi tổ chức bầu cử. Ảnh minh họa

Theo ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ba điểm khác biệt so với những lần bầu cử trước, cụ thể:

Một là, công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Tại cuộc bầu cử này, Hội đồng bầu cử quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia, các Tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập và kiện toàn sớm, từ tháng 6/2020. Cụ thể:

– Ngày 11/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 108/2020/QH14 bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia;

– Ngày 12/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111/2020/QH14 phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia;

– Ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 118/2020/QH14 thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;

– Tại các Nghị quyết số 08, 09, 10, 11 ngày 23/9/2020, Hội đồng Hội đồng bầu cử quốc gia thành lập Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền, Tiểu ban An ninh, Trật tự và Y tế;

– Tại Nghị quyết số 1000/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Ngoài ra, công tác tham mưu, chuẩn bị cuộc bầu cử lần này cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Tất cả những yếu tố này tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các kế hoạch, công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử, đồng thời ứng phó kịp thời với diễn biến tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Hai là, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước bởi phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan có sự thay đổi. Cụ thể, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi năm 2019) quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách.

Ba là, công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức bầu cử diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Đợt dịch lần thứ tư xuất hiện tại nước ta nguy hiểm hơn những đợt dịch trước về tốc độ lây lan nhanh chóng của các biến thể SARS-CoV-2 mới (từ ngày 27/4 đến nay đã có 1.320 ca mắc mới), nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là ổ dịch tại bệnh viện, khu công nghiệp gây nhiều khó khăn cho công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử. Đây là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế, góp phần tổ chức cuộc bầu cử an toàn, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Để cuộc bầu cử diễn ra an toàn tuyệt đối, vừa đảm bảo an ninh, trật tự, vừa phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, các Bộ, ngành liên quan và cơ quan bầu cử ở Trung ương đã có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các địa phương chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần thiết và lên phương án cụ thể để tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đảm bảo khách quan, công bằng, dân chủ, đáp ứng quyền lợi của cử tri. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi người dân hãy phát huy quyền làm chủ trong công cuộc xây dựng đất nước, chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch khi tham gia bầu cử để vừa bầu ra những người đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng, nói lên tiếng nói của nhân dân trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, vừa bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Khánh Vi


Tin liên quan