Những người thầy
Trong sự nghiệp giáo dục, những người thầy là ngọn đuốc dẫn đường đưa chúng ta đến bến bờ của tương lai. Có những người thầy say mê trên bục giảng và có cả những người thầy “đặc biệt” cống hiến tận tâm, tận lực sau song sắt của cánh cổng trại giam. Họ là những người thầy không bụi phấn, những người thầy vinh dự được mang trên mình bộ quân phục CAND, đang hằng ngày gieo màu xanh của niềm tin và hi vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những người trò từng lầm đường lạc bước. Đó là câu chuyện về những “người thầy đặc biệt” công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum.
Đặt chân đến Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum trong những ngày đầu tháng 11 để hòa chung trong không khí hân hoan thi đua lập thành tích chào mừng ngày truyền thống lực lượng cảnh sát trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (07/11/1950 – 07/11/2021) và được gặp gỡ với những “người thầy đặc biệt”, được tiếp xúc với những “người học trò đặc biệt”, hơn lúc nào hết chúng tôi cảm nhận được “ tình đời, tình người” nơi đây cũng thật đặc biệt.
Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum được khởi công xây dựng từ những năm 2010 những đến cuối năm 2016 mới chính thức đưa vào sử dụng. Cũng như nhiều trại giam khác, Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum đóng ở nơi xa khu dân cư, nằm trên đỉnh đồi cao giữa vùng giáp ranh 03 xã Hà Mòn, Đăk La và Ngọc Wang của huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum.
Theo chân “hướng dẫn viên tình nguyện” là đồng chí Thiếu tá Phạm Quang Thao – Đội trưởng Đội Quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum thì được biết “Năm 2016, khi mới chuyển lên cơ sở mới này, nơi đây chỉ là những khu đất trống, cỏ mọc hoang dại với gạch đá, bê tông của các công trình xây dựng còn sót lại, hoàn toàn không có bóng mát, cây cối gì cả. Với vị trí là đỉnh đồi, nơi đây nếu nắng là nắng nhất, mà nếu mưa thì sẽ là nơi mưa mạnh nhất, anh em ban đầu cũng thực sự lo lắng nhưng với sự quyết tâm của Đảng ủy, tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ đơn vị, dần dần chúng tôi đã từng bước quy hoạch mặt bằng, trồng cây phủ xanh, dọn dẹp đất đá, gieo trồng rau xanh, anh em quyết tâm biến nơi đây trở thành “công viên” sau song sắt đấy”. Nói xong anh chỉ cười nhưng có thể cảm nhận được nỗ lực, quyết tâm của bản thân anh cũng như tập thể Ban Giám thị và cán bộ chiến sỹ Trại tạm giam sau nụ cười ấy.
Khi được hỏi đến những khó khăn, vất vả, anh chia sẻ “Với đặc thù công tác đòi hỏi chúng tôi phải trực, ứng trực thường xuyên tại đơn vị nên với chúng tôi, đơn vị là nhà, anh em đồng đội là gia đình, người thân. Cũng phải làm tốt công tác động viên đối với cha mẹ vợ con thì mình mới yên tâm công tác được. Cũng may có sự quan tâm của Ban Giám thị thường xuyên liên lạc hỏi thăm động viên gia đình chúng tôi nên gia đình rất hiểu và tạo mọi điều kiện để anh em cán bộ chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Giáo dục, cải tạo can, phạm nhân là cả một hành trình dài. Có tận mắt chứng kiến mới thấy khó khăn, vất vả đến nhường nào. Gần 400 can phạm nhân được giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum là gần 400 trường hợp, hoàn cảnh khác nhau. Con đường dẫn họ đến hành vi phạm tội cũng không giống nhau. Phía sau cánh cổng sắt, bên trong những người khoác tấm áo đặc thù của phạm nhân là những con người mà cá tính khác nhau. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ công tác ở trại giam phải luôn nêu cao tinh thần tận tuỵ với công việc, yêu ngành, yêu nghề, luôn phải nâng cao trình độ chuyên môn, đưa ra những phương thức phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn khác nhau theo phương châm: giáo dục, thuyết phục, cảm hoá kết hợp với giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật và giáo dục công dân; ngoài ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao… giúp can phạm nhân giải tỏa tâm lý, thoải mái trong quá trình học tập, cải tạo.
Cuốc đất trồng rau – điều tưởng chừng như “xa xỉ” đối với một số can phạm nhân khi còn ở ngoài xã hội
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Thành – Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại tạm giam – một người đã có hơn 20 năm gắn bó với đất Trại cho biết “Để giáo dục một can phạm nhân ngoan cố chống đối, cải tạo kém trở thành một can phạm nhân biết ăn năn hối cải, biết làm lại cuộc đời cũng như giáo dục một con người phạm tội trả về cho xã hội những công dân có ích là điều không hề dễ dàng. Đòi hỏi cán bộ làm công tác Trại giam cần phải có lòng kiên trì, đặc biệt là dùng nhân tâm để thu phục, cảm hóa họ. Giáo dục can phạm nhân trở thành một con người tốt, có ích vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của những cán bộ làm công tác trại giam và cũng chính là động lực giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Không chỉ tự hào là người chiến sỹ Công an nhân dân mà họ còn vinh dự hơn khi mang trên mình trọng trách là những “người thầy”. Dù bụi phấn không rơi trên vai áo, nhưng mồ hôi, tâm sức luôn đẫm chiếc áo “thầy” mặc. Những thành quả đạt được hôm nay được kết tinh từ bàn tay khối óc và cả trái tim của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trại giam, những con người đã không quản ngại khó khăn, vất vả gieo trồng và chăm sóc những “mầm thiện” để trả lại cho đời. Thành công của công tác giáo dục cảm hóa, ngoài những phương pháp sáng tạo, phong phú thì “cái tâm” của người cán bộ, chiến sỹ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Họ được ví như những người lái đò đặc biệt, chở can phạm nhân đến bến hoàn lương, biết sống, biết tuân thủ pháp luật, để làm người, là trụ cột của gia đình, xây dựng quê hương đất nước, gia đình giàu mạnh.
Phạm nhân Nguyễn Quang Vinh – Một phạm nhân đang chấp hành án tại Phân trại Quản lý phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum cho biết “Ở “ngoài đời”, nhiều người có định kiến cho rằng cuộc sống ở trong trại giam là cuộc sống khổ sai, chỉ có giam cầm rồi “đầu gấu” rồi nhục hình nhưng sự thật không phải như thế, ở trong này chúng tôi được đảm bảo về chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, được chơi thể thao, đọc sách báo cập nhật tin tức và quan trọng nhất là tình cảm các cán bộ dành cho chúng tôi – đó là tình người bên cạnh sự nghiêm khắc của pháp luật là sự chia sẻ, động viên. Những điều đấy khiến chúng tôi nể phục và quyết tâm cải tạo để không phụ lòng của Ban Giám thị và cán bộ dành cho chúng tôi”.
Cán bộ Trại tạm giam cùng phạm nhân gói bánh chưng chuẩn bị cho một cái Tết ấm áp tình người
Đồng chí Trung tá Nguyễn Văn Minh – Phân trại trưởng Phân trại Quản lý phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum tâm sự “Tôi gặp lại rất nhiều phạm nhân được tha hết án trở về, có người đi học nghề, có người buôn bán cũng có người bây giờ thành đạt nhưng tựu chung đều quý mến cán bộ trại. Hàng năm được chứng kiến những phạm nhân tiến bộ, được trở về với đời thường lương thiện là niềm vui lớn nhất động viên anh em công tác ở trại ngày càng nỗ lực phấn đấu vươn lên để gieo thêm nhiều “mầm” thiện ở trong mỗi còn người đã có một thời lầm lỗi”.
Nhiều câu chuyện cảm động khác ở trong Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum với tấm lòng vị tha, bao dung của người cán bộ quản giáo đã góp phần đưa nhiều số phận trở về với ánh sáng hoàn lương. Đằng sau cánh cổng trại chính là trường học hoàn lương cho người lầm lỗi. Với can phạm, những ngày ở trại đã cho họ bài học cuộc đời, bài học làm người lương thiện. Đã rất nhiều can phạm cải tạo tốt tái hoà nhập cộng động, tham gia các hoạt động, các phong trào tại địa phương, xây dựng gia đình văn hoá… Còn các anh, các chị – những “người thầy” đặc biệt vẫn miệt mài nơi ấy!
Lê Tuấn