Đường cứu nạn và những điều cần biết
Việt Nam có rất nhiều các cung đường đèo dốc, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng có nhiều tuyến đường quanh co, độ dốc nguy hiểm cao như: Đèo Lò Xo, đèo Măng rơi, đoạn dốc trên tuyến đường đi Măng Đen…
Mặc dù có rất nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này như: Gương cầu lồi ở khúc cua, gờ giảm tốc, hộ lan cứng. Tuy nhiên, còn một giải pháp có thể đảm bảo an toàn hơn rất nhiều cho lái xe đó là đường lánh cứu nạn hay còn gọi với tên khác là đường cứu nạn.
Theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm 2019, lực lượng chức năng đã xử lý 91 điểm đen, 161 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, xây dựng 12 đường cứu nạn, hốc cứu nạn, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.
Điển hình là trên một số “cung đường đen“, đèo dốc trước đây thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, chủ yếu do xe mất phanh lao xuống vực sâu, đâm vào các xe đi ngược chiều hoặc lao vào vách đá, làm chết nhiều người, đã giảm mạnh số vụ tai nạn và thương vong khi có hệ thống tường lốp (vỏ xe), đường cứu nạn.
Cụ thể, trên quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình – Mộc Châu, tai nạn giao thông đã giảm từ 90 vụ (17 người chết, 64 người bị thương) năm 2018 còn 23 vụ (06 người chết, 17 người bị thương) năm 2019. Riêng đường cứu nạn tại km144+600 quốc lộ 6 đã cứu được 08 xe mất phanh, tường lốp cứu 04 xe mất phanh (không có thiệt hại về người).
Tại đèo Lò Xo thuộc đường Hồ Chí Minh, tai nạn giao thông đã giảm từ 18 vụ (05 người chết, 72 người bị thương) năm 2018 còn 11 vụ (06 người bị thương, không có người chết) năm 2019. Đường cứu nạn, hốc cứu nạn trên đèo Lò Xo đã cứu được 3 xe mất phanh, tường lốp cứu 3 xe mất phanh (không có thiệt hại về người).
Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ cũng như chức năng của con đường trên chúng ta cùng nhau đi vào phân tích:
- Đường cứu nạn là gì?
Hình ảnh đường cứu nạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Đường cứu nạn là đoạn đường được thiết kế và thi công trên đường đèo dốc nhằm làm giảm tốc độ và đảm bảo cho những xe mất kiểm soát dừng lại khi xuống dốc. Trong trường hợp này, xe mất kiểm soát có thể rời khỏi đường chính vào đường cứu nạn, dừng lại để sửa chữa. Đường cứu nạn gồm hai đoạn: đoạn đường dẫn và đệm giảm tốc.
Với kết cấu độ dốc ngược so với chiều xe chạy, khi xe bị mất phanh sẽ giúp giảm tốc độ và dừng lại trong một thời gian ngắn. Hạn chế tối đa được những thiệt hại và hậu quả như xe bị lao xuống dốc hoặc xuống vực.
Đường cứu nạn còn có nhiều tên gọi khác nhau như đường lánh nạn, đường hốc.
Các loại đường cứu nạn
2. Cấu tạo, cơ chế hoạt động của đường cứu nạn.
Đường cứu nạn có cấu tạo đơn giản bao gồm chỗ hãm xe và các vật liệu tạo độ ma sát cao như cát và sỏi.
Bố trí đoạn chuyển tiếp từ đường chính vào đường cứu nạn
Khi xe bị mất phanh và đâm vào đường cứu nạn, lúc đầu xe gặp rất ít lực cản, chiếc xe chạy xa hơn lực cản sẽ tăng dần khiến xe chạy chậm dần sau đó dừng lại giảm thương tích cho tài xế và hạn chế nguy cơ lật xe.
Xe tải mất phanh thường lao rất nhanh, nhất là với đoạn đường dốc. Cách xử lý tốt nhất là cho xe lao vào vách núi. Tốc độ xe càng cao, hậu quả càng lớn. Khi có đường cứu nạn, lái xe thường cố gắng lái xe vào đường cứu nạn để xe chạy hết đà sẽ dừng lại.
Thực tế cho thấy, những xe bị hỏng phanh lao vào đường cứu nạn đều dừng lại an toàn. Chính vì vậy cách này đã được rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới áp dụng.
Vậy tầm quan trọng của đường cứu nạn thế nào?
3. Tác dụng của đường cứu nạn.
“Nếu không có đường cứu nạn ở dốc Quàng Hái này thì không biết tôi và hơn hai mươi khách đi lễ hội trên xe của tôi sẽ ra sao” – Đây là chia sẻ của tài xế xe khách khi thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc nhờ đường cứu nạn.
Anh Thắng – Tài xế xe khách trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp “thoát chết” khi nhanh trí đi vào đường cứu nạn khi có sự cố, tai nạn xảy ra.
Như vậy việc xây dựng, đầu tư các đường này là điều rất cần thiết và cấp bách. Điều này còn giúp lái xe an tâm hơn khi đi các đoạn đường dốc nguy hiểm này nhất là các tỉnh vùng núi có nhiều đèo dốc cao, gấp như địa bàn tỉnh ta. Chúng ta đã bắt gặp rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xe lao xuống vực chỉ vì không có đường cứu nạn.
Trong lúc chờ đợi mô hình này được nhân rộng thêm ở Việt Nam hãy tự đảm bảo an toàn cho mình bằng cách tuân thủ luật giao thông đường bộ và kiểm tra, bảo dưỡng xe trước mỗi chuyến đi xa.
Mạnh Toàn |