A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hãy cảnh giác với hàng giả

 

Trên thị trường hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc là một trong những mối nguy của xã hội, nhất là mặt hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm, tiêu dùng… Với lợi thế về giá cả và bằng nhiều con đường và nhiều thủ đoạn qua mặt các cơ quan chức năng, các mặt hàng này đang được tuồn ra thị trường là mối hiểm họa đối với người tiêu dùng.

Hàng giả là loại hàng có giá trị và giá trị sử dụng không đúng với tên gọi của nó, không đúng với tiêu chuẩn đã quy định của Nhà nước trong việc sản xuất các loại hàng hoá hoặc sử dụng trái phép nhãn hiệu của một cơ sở sản xuất khác.

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng của các địa phương trong cả nước đã tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm, tiêu dùng, đồ gia dụng…đã phát hiện hàng ngàn vụ buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm vụ hàng giả, hàng kém chất lượng được lưu thông trên thị trường, trong đó đã phát hiện 371 chai rượu giả hiệu Vodka, 16 máy tính cầm tay nhãn hiệu Casio, 93 bộ phụ tùng, phụ kiện là hàng giả mạo nhãn hiệu Honda Việt Nam… ngoài ra lực lượng quản lý thị trường đã mở đợt cao điểm đấu tranh chống hành vi buôn bán hàng giả, gian lận thương mại đối với các sản phẩn được giới thiệu là Sâm Ngọc Linh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

         Qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh có buôn bán hàng giả, có đặc điểm chung là không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Vì hám lợi, người bán bất chấp nguy hại đến sức khỏe đối với người tiêu dùng, còn người mua vì thiếu hiểu biết hoặc ham của rẻ đã không ít người phải trả giá đắt cho việc dùng hàng giả nhất là trong việc sử dụng mỹ phẩm giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, rượu giả, thực phẩm giả…

Để làm giả hàng hóa, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau như: mua hàng giả từ nước ngoài vào nội địa để bán ra thị trường, sử dụng bao bì nhãn mác thật để đưa sản phẩm giả kém chất lượng vào bên trong, thu mua một số mặt hàng hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng để tẩy xóa, sửa lại nhằm kéo dài hạn sử dụng đưa ra tiêu thụ… các đối tượng thường bán tại vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ dân trí thấp hoặc các khu công nghiệp nơi có đông công nhân, người lao động có thu nhập thấp…

Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, nhà sản xuất bị thua lỗ mà ngay cả các nhà quản lý, cơ quan chức năng cũng đau đầu bởi hàng nhái, hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi rất khó phát hiện. Bằng mắt thường người tiêu dùng khó có thể nhận biết và phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Các sản phẩm được làm tinh vi từ vỏ, tem nhãn và cả đến tên công ty phân phối cũng được in đầy đủ thông tin..

 

Sở Công thương Kon Tum trưng bày hàng giả, hàng thật tại Tại Hội chợ Công thương khu vực Tây Nguyên, Kon Tum năm 2017


Do vậy, người tiêu dùng có sự phân biệt cơ bản về hàng thật, hàng giả hàng kém chất lượng nên tránh mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động, đến cơ sở kinh doanh có cửa hàng cửa hiệu cụ thể, có ngày tháng sử dụng và tên địa chỉ cụ thể của sản phẩm. Nhưng hơn ai hết, mỗi người dân chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, kiên quyết không mua, bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái. Nếu phát hiện các cá nhân, tổ chức có các hoạt động sản xuất, buôn bán các sản phẩm hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng phải báo kịp thời cho lực lượng chức năng biết để xử lý, qua đó xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch và góp phần trong việc ổn định trật tự xã hội.


Xuân Minh – Phòng ANKT