A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về thực hiện chế độ trợ cấp đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về thực hiện chế độ trợ cấp đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 53/2010 của Thủ tướng.

Theo đó, dự thảo Thông tư nêu rõ đối tượng áp dụng bao gồm:

- Cán bộ, chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30-4-1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 và khoản 1 Điều 8 Quyết định 53/2010.

- Các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ CAND.

Riêng các trường hợp quy định tại Điều 3 Quyết định 53/2010 không thuộc đối tượng áp dụng thực hiện Thông tư này.

Về thời gian công tác được tính hưởng chế độ:

- Thời gian công tác được hưởng chế độ là thời gian công tác thực tế trong Công an nhân dân, tính từ khi vào Công an nhân dân đến khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương. Trường hợp thời gian công tác có gián đoạn thì được cộng dồn.

Trường hợp có thời gian công tác trong Quân đội nhân dân thì được cộng thời gian công tác trong Quân đội nhân dân với thời gian công tác trong Công an nhân dân để tính hưởng chế độ theo quy định, cụ thể:

+ Cán bộ, chiến sĩ đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương có thời gian tham gia Quân đội nhân dân từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước thì thời gian công tác trong Quân đội nhân dân được cộng với thời gian công tác trong Công an nhân dân để thực hiện các chế độ quy định tại Thông tư này;

+ Cán bộ, chiến sĩ có thời gian công tác trong Quân đội nhân dân mà thời gian đó đã được thực hiện chế độ quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương thì không được cộng thời gian công tác trong Quân đội nhân dân vào thời gian công tác trong Công an nhân dân để tính hưởng chế độ theo Thông tư này. Trường hợp có nguyện vọng cộng thời gian công tác trong Quân đội nhân dân với thời gian công tác trong Công an nhân dân để đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì phải nộp lại khoản trợ cấp một lần đã nhận cho Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú. Trường hợp đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ thì được bổ sung thời gian công tác trong Công an nhân dân vào thời gian công tác thực tế được tính hưởng trợ cấp hàng tháng để điều chỉnh mức trợ cấp đang hưởng.

- Cán bộ, chiến sĩ đã hưởng trợ cấp một lần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005; khoản 2 Điều 1 Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9 tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10 tháng 01 năm 1982 đủ điều kiện chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng thì Công an cấp tỉnh nơi cán bộ, chiến sĩ thường trú lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định và thông báo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện truy thu khoản trợ cấp một lần đã nhận vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg.

- Cán bộ, chiến sĩ đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương sau đó công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà đã được tính thời gian công tác trong Công an nhân dân là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thôi tính hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư này.

- Thời gian hưởng trợ cấp một lần nếu có tháng lẻ thì dưới 6 tháng tính bằng mức hưởng của 1/2 năm, đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng tính bằng mức hưởng của 1 năm.

Về chế độ trợ cấp hàng tháng, theo dự thảo, cán bộ, chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30-4-1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 và khoản 1 Điều 8 Quyết định 53/2010 thuộc một trong các trường hợp sau, được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng:

- Có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong CAND.

- Có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương sau đó công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hoặc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

Trợ cấp hàng tháng được tính theo số năm công tác thực tế được tính hưởng chế độ. Theo đó, đủ 15 năm được trợ cấp 813.614 đồng/người/tháng, sau đó cứ thêm một năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 5%.

Cụ thể, từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 813.614 đồng/người/tháng. Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 854.295 đồng/người/tháng. Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 894.975 đồng/người/tháng. Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 935.656 đồng/người/tháng. Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 976.337 đồng/người/tháng.

Khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp hàng tháng thì mức trợ cấp hàng tháng cũng được điều chỉnh tương ứng.

Cán bộ, chiến sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ trần thì thôi hưởng từ tháng tiếp theo. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ từ trần sau ngày 15-10-2010 nhưng chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng thì thân nhân của người từ trần (gồm: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp) được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng (chi trả một lần), tính đến tháng năm từ trần...

Đối với chế độ trợ cấp một lần: Cán bộ, chiến sĩ CAND tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 30-4-1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 và khoản 1 Điều 8 Quyết định 53/2010 thuộc một trong các trường hợp sau, được hưởng chế độ trợ cấp một lần:

- Có dưới 15 năm công tác trong CAND.

- Có dưới 15 năm công tác trong CAND; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương tiếp tục công tác ở xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc chế độ hưu trí.

- Có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong CAND; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương hiện đang công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

- Có dưới 15 năm công tác trong CAND; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương hiện đang công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trợ cấp một lần được tính theo số năm công tác thực tế trong CAND: Từ đủ hai năm (24 tháng) trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng; từ năm thứ ba trở đi, cứ mỗi năm mức hưởng trợ cấp một lần được cộng thêm 800.000 đồng.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn quuy định cụ thể về hồ sơ xét hưởng chế độ và trình tự thực hiện việc xét hưởng cũng như vấn đề về kinh phí đảm bảo và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan như: Cục Tổ chức cán bộ; Cục Kế hoạch và tài chính; Công an đơn vị, địa phương; Sở lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Dự thảo Thông tư này dự kiến sẽ thay thế Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 08/11/2010 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

Toàn văn dự thảo.


Tác giả: Hoàng Phúc