A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát cơ động trong Công an tỉnh

       Ngày 14-6-2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Luật CSCĐ là cơ sở chính trị, pháp lý hết sức quan trọng để lực lượng CSCĐ thực hiện nhiệm vụ và xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

So với Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Luật CSCĐ đã có nhiều quy định mới nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ có liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm điều kiện hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của CSCĐ.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn Luật Cảnh sát cơ động và các văn bản quy định chi tiết thi hành tại Công an tỉnh Kon Tum

Để triển khai thi hành Luật này trong Công an tỉnh một cách kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, một trong những giải pháp quan trọng chính là tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Cảnh sát cơ động, để làm tốt điều đó, cần chú trọng thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, cần xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị của Công an tỉnh trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật CSCĐ; xây dựng kế hoạch công tác chi tiết và rõ ràng; kiểm tra và giám sát việc thực hiện kế hoạch; xử lý kịp thời những khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai.

Hai là, tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến Luật CSCĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội… để giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ; giải thích những điểm mới so với Pháp lệnh CSCĐ 2013; làm rõ những quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ba là, tổ chức hội nghị, tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chuyên đề… để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Luật CSCĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm thống nhất nhận thức, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, kiên quyết xử lý những sai phạm, khuyết điểm trong thực tiễn thi hành Luật của các lực lượng chức năng.

Bốn là, tổ chức cấp phát sách, tài liệu tập huấn chuyên sâu Luật CSCĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ trong Công an tỉnh. Cử cán bộ tham gia Hội nghị tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định

Năm là, tổ chức rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, tăng cường bảo đảm nguồn nhân lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện cần thiết khác phục vụ triển khai thi hành Luật CSCĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trên sẽ góp phần triển khai thi hành một cách hiệu quả Luật CSCĐ trên địa bàn tỉnh; qua đó, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của lực lượng CSCĐ trong việc giữ gìn an ninh quốc gia và an toàn xã hội ở nước ta.


Tác giả: Hoàng Phúc