A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công an nêu lý do cấp bách cần sửa Luật Căn cước công dân

Luật Căn cước công dân hiện hành không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân (thông tin về CCCD và các giấy tờ khác) nên đã gây khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính...

 

Bộ Công an đã cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống, gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ.

Trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc cần xem xét để sửa đổi, bổ sung.

Theo Bộ Công an, hiện mỗi công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề...

Trong khi đó, Luật Căn cước công dân hiện hành không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR code)…

Ngoài ra, theo Luật Căn cước công dân, thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin.

Song, qua triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào các cơ sở dữ liệu trên là rất cần thiết.

Do vậy, việc giới hạn các thông tin theo quy định của Luật Căn cước công dân sẽ gây khó khăn trong thực hiện Đề án số 06, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

 

 

Những loại chứng minh nhân dân đã được cấp cho công dân

Bên cạnh đó, Luật Căn cước công dân không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Luật này cũng chưa quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam, chưa có quy định về cấp lại thẻ căn cước công dân theo hồ sơ đề nghị cấp thẻ gần nhất trên hệ thống cấp CCCD nên có công dân vừa được cấp thẻ căn cước công dân nhưng bị thất lạc, hư hỏng... đều phải trực tiếp đến cơ quan Công an để xin cấp lại thẻ khác.

Mặt khác, Luật Căn cước công dân là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng Chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ căn cước công dân.

Song, nhiều cơ quan, tổ chức (bảo hiểm, nhà đất, ngân hàng…) đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây, gây khó khăn, phiền hà cho công dân.

Do vậy, cần bổ sung vào Luật Căn cước công dân quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ Chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân của công dân được thuận lợi hơn; hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân.

Bộ Công an cũng cho rằng, hiện nay, Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ căn cước công dân mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân hiện hành nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

 


Tác giả: Xuân Hoàng
Nguồn:An ninh Thủ Đô Copy link