A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sổ hộ khẩu giấy sắp hết hiệu lực - Người dân cần làm ngay căn cước công dân gắn chíp

Sổ hộ khẩu giấy chỉ được sử dụng, có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và có giá trị sử dụng cho đến hết 31/12/2022. Vì vậy, chỉ còn hơn 20 ngày nữa, Sổ hộ khẩu giấy sẽ được thay thế bằng Sổ hộ khẩu điện tử. Nhiều người thắc mắc, để được sử dụng Sổ hộ khẩu điện tử, người dân cần xin giấy tờ gì và có cần đăng ký tài khoản định danh điện tử hay làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp không?

Trước ngày Sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực, người dân cần làm ngay căn cước công dân gắn chíp

Từ 01/01/2023, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là Sổ hộ khẩu điện tử. Việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy tức là bỏ hình thức quản lý dữ liệu cư trú bằng sổ sách, giấy tờ.

Nhà nước vẫn duy trì quản lý hộ khẩu, chỉ là thay thế hình thức quản lý thông tin sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn. Người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú như trước.

Thông tin về nơi cư trú của công dân sẽ được cập nhật lên hệ thống điện tử để quản lý. Mỗi người sẽ có một mã định danh cá nhân riêng thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan về tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, quan hệ nhân thân…

Trước ngày 31/12/2022, Sổ hộ khẩu giấy vẫn có giá trị sử dụng bình thường. Người dân chỉ bị thu hồi Sổ hộ khẩu nếu thực hiện một trong các thủ tục hành chính quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA, gồm: Thủ tục đăng ký thường trú; Thủ tục xóa đăng ký thường trú; Thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; Thủ tục tách hộ…

Do Sổ hộ khẩu thường được sử dụng trong các thủ tục, giao dịch cần chứng minh thông tin về cư trú nên trước ngày Sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực, công dân có thể xin Giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế trong các trường hợp cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú. Nội dung của Giấy này bao gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân nêu rõ, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân. Người dân có thể sử dụng CCCD gắn chíp là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm thủ tục tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Trên mặt thẻ CCCD thể hiện các thông tin cơ bản về: Số định danh cá nhân; họ tên; ảnh chân dung; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; ngày thẻ hết hạn; vân tay; ngày cấp thẻ; đặc điểm nhân dạng…

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng còn có thể sử dụng thiết bị đọc chíp để trích xuất thông tin. Do đó, trước khi Sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực, người dân cần đi làm CCCD gắn chíp.

Mặt khác, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử cá nhân thay thế Sổ hộ khẩu để chứng minh nhân thân, cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản định danh cá nhân của công dân Việt Nam có 2 mức độ với giá trị sử dụng như sau:

Mức độ 1: Có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Mức độ 2: Tương đương với sử dụng CCCD trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình CCCD; Cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.

Với tài khoản định danh cá nhân mức độ 1, người đã có thẻ CCCD gắn chíp tự đăng ký thông qua ứng dụng VNelD trên điện thoại.

Với tài khoản định danh mức độ 2, công dân phải trực tiếp đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp Căn cước công dân để làm thủ tục đăng ký.


Tác giả: Bích Nga